Nỗi kinh hoàng cho ai ngồi gần chùm bóng bay

Gần một năm sau sự cố bóng bay phát nổ và gây bỏng, anh Thanh Bình, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vẫn nhớ như in. 

Khi đó, anh đang ngồi dự lễ hội trung thu dành cho trẻ em ở chung cư thì chùm bóng bay rất to sau lưng anh phát nổ. Hàng trăm quả bóng bay cùng phát nổ một lúc do tàn thuốc lá của ai đó bay vào đã khiến anh Bình bị bỏng nặng.

 Khi đến viện Bỏng Quốc gia điều trị, anh Bình được biết mình bị bỏng độ 3. Từ sau lần bị bỏng đó, gia đình anh “cạch mặt” các thể loại bóng bay và luôn dặn những đứa trẻ không lại gần các quả bóng.

Anh Bình bị bỏng độ 3 do ngồi gần chùm bóng bay phát nổ. Ảnh: NVCC

Cảnh báo về mối họa do bóng bay phát nổ, PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội lý giải, nếu bóng bay được bơm bằng khí Heli thì bóng nổ vẫn an toàn. Tuy nhiên, loại khí này đắt và hiếm nên người ta thay thế bằng khí hydro. Loại khí này rất rẻ tiền, dễ sản xuất, nguyên liệu bao gồm vụn đồng nát, vôi, kiềm nén lại trong bình là có khí hydro.

“Chỉ cần ở gần nguồn lửa như tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, quả pháo hoa nổ chậm rơi xuống mặt đất, pháo phụt, nến đang cháy… khối hydro đang nén trong quả bóng bay sẽ phát nổ rất mạnh.

Nhiệt độ cháy của hydro trong không khí lên tới 500 độ C. Chính vì thế, khi cháy nổ bóng bay có thể gây sát thương như cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt…

Bóng bay chùm hoặc quả bóng bay kích thước lớn khi phát nổ có mức sát thương càng lớn”, PGS. Trần Hồng Côn cảnh báo. 

Những vụ tai nạn bỏng do nổ bóng bay là lời cảnh báo cho mọi người về mối nguy hiểm tiềm tàng từ những quả bóng bay mà hàng ngày không mấy ai để ý, đặc biệt là khi mùa khai giảng đang đến rất gần và nhiều năm nay, thả quả bóng bay trong lễ khai giảng là điều không thể thiếu.

Nếu chẳng may hàng nghìn quả bóng bay đó phát nổ thì mối họa sẽ là vô cùng lớn.

Ngưng thả bóng bay còn để bảo vệ môi trường

Không ai phủ nhận thả bóng bay sẽ khiến các em nhỏ “mãn nhãn” trong ngày khai trường. Tuy nhiên, ngoài mối họa gây bỏng nặng, việc thả bóng bay còn gây ảnh hưởng đến môi trường – một điều ít ai quan tâm tới.

Mới đây, em Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 5 trường Marie Curie, Hà Nội đã viết 1 bức thư điện tử gửi đến 40 trường học ở Hà Nội nhăm kêu gọi ngừng việc thả bóng bay trong ngày khai giảng để bảo vệ môi trường.

Trong thư, Linh viết: “Con được biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời… Nhưng khi thả bóng lên thì các chú chim hoặc động vật khác nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói.

Cô bé đề xuất: “Con nghĩ rằng trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ?”.

Bức thư của cô bé lớp 5 về việc ngưng thả bóng bay đã khiến nhiều người lớn phải giật mình. Ảnh minh họa.

Sau khi bức thư của cô bé lớp 5 sau khi được đăng tải đã khiến nhiều người lớn phải giật mình về vấn đề bảo vệ môi trường khỏi những ô nhiễm.

Bức thư của em những ngày qua đã truyền cảm hứng và “đánh thức” người lớn nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa từ việc thả bóng bay - một việc thường được làm trong mỗi dịp khai giảng nhưng ít ai nghĩ về tác hại của nó.