Mới đây, ở Hà Nội, một bé gái 8 tháng tuổi bị chó ngao Tây Tạng nhà nuôi cắn chết một lần nữa là hồi chuông báo động mối nguy hiểm tiềm ẩn từ loài thú đang là “vật cưng” trong nhiều gia đình.

Chó thả rông tràn lan

Ngày 22/7, phóng viên Phụ nữ Sức khỏe, có mặt ở nhiều tuyến đường ở TP.HCM và ghi nhận tình trạng chó thả rông, không rọ mõm tràn lan trên đường phố.

Tại đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cứ mỗi buổi chiều, người dân sống ở khu vực này lại dắt chó ra đây để…đi dạo. Đáng nói, hầu hết những con chó này đều không buộc dây xích, rọ mõm theo quy định. Để chó được “thoải mái” nhiều chủ mở luôn xích cho vật cưng của mình thoải mái chạy nhảy khắp nơi trên đường phố.

Người tập thể dục ngán ngẫm với chó thả rông ở đường Phan Chu Trinh (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Ảnh: Nhân Phú

Nhiều con chó không rọ mõm còn vô tư đùa giỡn với trẻ em. Thậm chí, một số con chó còn nhe răng cắn hờ hoặc ngậm áo kéo khiến mấy bé té ngã. Khi bị các cháu nhỏ nghịch, đùa giỡn đánh vào đầu thì lập tức mấy con chó này nhe răng gầm gừ phản kháng.

Chị Nhung (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết thường xuyên đi bộ ở khu vực trên và thấy ngày nào cũng có nhiều người dắt chó ra khu vực này thả. Đó là chưa kể mấy con chó ở những hộ dân gần đó cũng thả cả ngày lẫn đêm.

"Mình đi bộ mà đôi lúc còn bị mấy con chó giỡn với nhau chạy va vào người huống chi là trẻ em. Với lại, thả chó mà không rọ mõm như vậy sẽ rất nguy hiểm. Vì mình đâu thể đoán được tính khí của nó như thế nào mà tránh? Lỡ nó cắn mình thì biết ai mà đền? Còn nữa, chó thả ở đây phóng uế tùm lum nên rất mất vệ sinh", chị Nhung phàn nàn.

Một con chó không rọ mõm đang "lang thang" ở đường Hoa Cúc (quận Phú Nhuận). Ảnh: Nhân Phú

Cũng theo chị Nhung, chung cư nơi chị ở gần đó có nhiều hộ nuôi chó. Nhiều lúc “không vui” chó sủa inh ỏi, rồi khi chúng được chủ dắt đi trong thang máy khiến chị và nhiều người khác vô cùng khó chịu.

Tại chung cư Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh), vừa bước vào một con đường gần chung cư này chúng tôi bắt gặp một con chó không rọ mõm án ngữ ngay giữa đường. Mỗi khi có ai chạy xe ngang qua thì con chó sấn tới nhe hàm răng sắc nhọn, sủa ầm ĩ.

Tương tự, tại một con hẻm trên đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh), nhiều hộ dân nơi đây nuôi rất nhiều chó. Mỗi khi có người lạ vào thì cả đàn chó nhảy bổ ra gầm gừ, sủa inh ỏi. Có con được thả bên ngoài vừa chạy theo xe của chúng tôi vừa sủa, nhe răng như muốn cắn người.

Không chỉ có ở những khu vực này, mà chúng tôi còn bắt gặp nhiều con chó được thả rông, không rọ mõm chạy lang thang ở nhiều tuyến đường khác như: Hoàng Sa, Điện Biên Phủ (quận 1), Võ Thị Sáu (quận 3), Hoa Cúc (quận Phú Nhuận)…

Chó thả rông trên đường Hòa Sa (quận 1, TP.HCM). Ảnh: Nhân Phú

Chuyện chó thả rông cắn chết, làm bị thương người lớn, trẻ em đã xảy ra rất nhiều nhưng đến nay nhiều địa phương dường như chưa có phương án nào xử lý triệt để. Và không có cơ sở nào có thể khẳng định những câu chuyện thương tâm như vụ bé gái 8 tháng tuổi bị chó cắn chết sẽ dừng lại.

Chủ chó phải chịu trách nhiệm đối với nạn nhân 

Liên quan đến việc người đang nuôi thú cưng không đúng cách, đặc biệt nuôi nhiều loài chó nhưng không rọ mõm, nhốt hay tiêm phòng theo quy định, trao đổi với Phụ nữ Sức khỏe trong ngày 24/7, Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn Luật sư Bình Phước) cho biết: "Trường hợp chó thả rông, không rọ mõm hoặc xích mà cắn người, gây ra thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác thì người chủ chó không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải có trách nhiệm dân sự đối với nạn nhân.

Theo Điều 584 Bộ luật dân sự, người chủ của chó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Mức bồi thường căn cứ vào mức độ thương tích cũng như mức độ lỗi của các bên. Nếu nạn nhân bị thương tích thì người chủ chó phải bồi thường các chi phí cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe, chức năng giảm sút và cả thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất".

Theo LS Hải Nam, trường hợp vật nuôi cắn dẫn đến nạn nhân tử vong thì người chủ chó phải chịu trách nhiệm bồi thường về chi phí mai táng, cấp dưỡng cho những người nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng cùng những thiệt hại khác. Thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại này là 3 năm.

"Ngoài ra, theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y thì việc dắt chó ra đường buộc người chủ chó phải xích, rọ mõm. Hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng... bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng", LS Nguyễn Hải Nam thông tin.

Bé gái 8 tháng tuổi bị chó ngao Tây Tạng cắn chết

Ngày 14/7, một bé gái 8 tháng tuổi (ngụ Hà Nội) bị chó ngao Tây Tạng nuôi trong nhà cắn. Thấy vậy, mẹ bé gái liền lao vào cứu con gái. Bà cũng bị con chó này cắn nhiều nhát vào tay. Bé gái được gia đình đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng mạch không, huyết áp không, xuất huyết não, vết thương vùng đầu và hai thái dương chảy máu nhiều. Mặc dù được các bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng bé gái không qua khỏi.