Cây điều (tên khoa học là Anacardium occidentale), có nguồn gốc ở vùng Đông Bắc Brazil, là loại cây được trồng phổ biến ở các nước nhiệt đới. Ấn Độ và Nigeria là hai đất nước sản xuất các sản phẩm từ cây điều lớn và uy tín nhất thế giới. Ngoài ra, cây điều còn được trồng nhiều ở Việt Nam, Pakistan, Bờ Biển Ngà và Indonesia.

Từ lâu, cây điều được xem là loại cây có giá trị kinh tế cao, nhất là sản phẩm hạt điều thơm ngon, giàu dinh dưỡng, mang đến nhiều tác dụng tuyệt với đối với sức khỏe của con người. Vậy hạt điều có tác dụng gì với sức khỏe lại được mọi người yêu thích và sử dụng nhiều đến như vậy? Cùng bài viết tìm hiểu những tác dụng của hạt điều cũng như các vấn đề cần lưu ý khi sử dụng loại hạt này.

Tìm hiểu tác dụng của hạt điều với trẻ nhỏ và người lớn

1. Những lợi ích của hạt điều với sức khỏe

Theo đông y, hạt điều có vị ngọt, bùi, tính ấm, có khả năng trừ đàm, tốt cho người bị suy nhược cơ thể, đau họng, bị ho do phong hàn.

Thành phần dinh dưỡng của hạt điều chứa nhiều chất chống oxy hóa, đặc biệt là các chất béo omega-3, omega-6 và các chất dinh dưỡng khác. Ngoài ra, hạt điều rất giàu khoáng chất đồng, một thành phần không thể thiếu của các loại enzym, và các khoáng chất khác như magiê, canxi,...

Hạt điều có tác dụng gì với sức khỏe lại được mọi người yêu thích và sử dụng nhiều đến như vậy? - Ảnh minh họa: Internet

Giúp ngăn ngừa ung thư

Hạt điều có tác dụng gì với sức khỏe? Tác dụng đầu tiên có thể kể đến đó là khả năng ngăn ngừa ung thư hiệu quả nhờ proanthocyanidins dồi dào chứa trong nhân điều. Đây là một loại flavanol có tác dụng ngăn chặn sự tái sản xuất và tiêu diệt các tế bào ung thư.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, hàm lượng đồng có trong hạt điều cũng giúp cơ thể ngăn chặn các gốc tự do và cung cấp nguồn phytochemical và chất chống oxy hóa có lợi. Một số bệnh ung thư có thể thuyên giảm nếu sử dụng hạt điều như ung thư đại tràng, ung thư tuyến tiền liệt, các khối u,...

Tốt cho hệ thần kinh và cơ bắp

Thành phần magiê có trong nhân điều rất tốt cho hệ thần kinh và cơ bắp. Khoáng chất này giúp cho các mạch máu và cơ bắp được nghỉ ngơi, thư giãn bằng cách làm chậm các dòng chảy của canxi vào tế bào thần kinh, giảm tần suất của những cơn đau nửa đầu, hạ huyết áp, đau tim, căng cơ...

Cải thiện chức năng não

Thêm một tác dụng tuyệt vời đã được chứng minh khi tìm hiểu hạt điều có tác dụng gì đó là cải thiện chức năng não bộ. Cũng như các loại hạt khác như hạt dẻ, hạt hạnh nhân, óc chó, hạt hướng dương,... hạt điều rất tốt cho bộ não của bạn. Vì loại hạt này rất giàu omega và magiê, giúp tăng cường lượng oxy lên não, cải thiện trí nhớ.

Bên cạnh đó, hạt điều chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa - hai loại chất béo có khả năng tác động tích cực đến sự sản sinh các tế bào não, giúp não bộ minh mẫn, chống bệnh trầm cảm tốt.

Duy trì sức khỏe tim mạch

Thành phần dinh dưỡng của hạt điều chứa nhiều acid oleic và acid linoleic, palmintoleic có tác dụng giảm cholesterol xấu, giảm mỡ máu và duy trì tốt cho sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa các bệnh tim, bệnh động mạch vành.

Hơn nữa, hàm lượng magiê dồi dào giúp giảm huyết áp, ngăn ngừa những cơn đau tim. Và hàm lượng đồng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các enzym, sản xuất hồng cầu ngừa thiếu máu.

Tốt cho hệ xương và răng miệng

Một trong những tác dụng không thể bỏ qua của hạt điều đối với sức khỏe đó là khả năng tái tạo và phát triển của hệ xương và răng. Điều này là nhờ vào hàm lượng magiê và canxi chứa trong nhân điều.Và khoáng chất đồng trong hạt điều còn tạo sự linh hoạt cho xương và khớp.

Ngoài ra, hợp chất phốt-pho đóng vai trò tổng hợp protein, hấp thu lượng carbonhydrate và chất béo, giúp các tế bào luôn khỏe mạnh và hoạt động tốt.

Ăn hạt điều rất tốt cho sự tái tạo và phát triển của hệ xương và răng - Ảnh minh họa: Internet

Tăng cường hệ thống miễn dịch

Hàm lượng kẽm chứa trong hạt điều có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch, kháng khuẩn, tổng hợp protein, giúp chữa lành vết thương nhanh chóng. Nhất là đối với phụ nữ mang thai, kẽm là khoáng chất rất quan trọng để duy trì cơ thể khỏe mạnh.

Ngăn ngừa sỏi mật

Sỏi mật là một bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa. Nguyên nhân gây ra sỏi mật thường là do sự tích lũy cholesterol trong túi mật. Vì vậy, việc thường xuyên ăn các loại hạt, trong đó có hạt điều sẽ giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi mật.

Hỗ trợ giảm cân

Bằng việc thay thế chất béo từ động vật bởi chất béo không bão hòa đa và chất béo không bão hòa đơn trong hạt điều sẽ giúp bạn kiểm soát trọng lượng cơ thể mà vẫn cung cấp nhiều năng lượng.

Nghiên cứu khoa học đã chứng minh, với những người ăn hạt điều 2 lần/tuần có thể tránh nguy cơ béo phì. Ngoài ra, hạt điều còn chứa nhiều chất xơ, tạo thuận lợi cho sự trao đổi chất của cơ thể và hỗ trợ giảm cân hiệu quả.

Lợi ích của hạt điều với tóc và da

Hàm lượng đồng trong hạt điều có tác dụng tạo tyrosinase - một loại enzym có khả năng chuyển đổi tyrosin thành melanin, giúp tạo sắc tố tóc và bảo vệ làn da khỏe mạnh. Do đó, muốn sở hữu một mái tóc đẹp và làn da khỏe mạnh, bạn có thể kết hợp hạt điều trong thực đơn ăn uống hàng ngày.

Ăn hạt điều thường xuyên để sở hữu một mái tóc đẹp và làn da khỏe mạnh - Ảnh minh họa: Internet 

2. Những lợi ích của hạt điều với bà bầu

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong danh sách các loại hạt thì hạt điều rất tốt cho sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Tác dụng của hạt điều không chỉ giúp hệ tim mạch của bà bầu được khỏe mạnh, tốt cho hệ xương và răng.

Ăn hạt điều còn giúp bà bầu giảm nguy cơ thiếu máu khi mang thai vì thành phần dinh dưỡng trong hạt điều đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất tế bào hồng cầu, tăng cường máu lên não.

Bà bầu có thể bắt đầu sử dụng hạt điều như món ăn vặt từ tháng thứ 4 trở đi để giảm căng thẳng, mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ. Dùng từ 10-15 hạt điều vào trước bữa ăn chính khoảng 30 phút. Chú ý không nên ăn hạt điều vào ban đêm để tránh cân nặng thai kỳ tăng nhanh.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bà bầu bị dị ứng với các loại hạt, trong đó có thể có hạt điều. Vì vậy, những bà bầu có tiền sử bị hen suyễn, sốt mùa hè, viêm mũi dị ứng, dị ứng đậu phộng,... thì nên tránh các thực phẩm dễ gây dị ứng, bao gồm cả hạt điều.

Bà bầu có thể bắt đầu sử dụng hạt điều như món ăn vặt từ tháng thứ 4 trở đi - Ảnh minh họa: Internet 

3. Tác dụng phụ của hạt điều có thể bạn chưa biết

Hẳn bạn đã tìm được câu trả lời cho thắc mắc hạt điều có tác dụng gì. Hạt điều rất tốt cho sức khỏe và làm đẹp. Tuy nhiên nếu bạn ăn quá nhiều có thể khiến cơ thể tích tụ lượng nhiệt thoát ra ngoài, dẫn đến nóng trong người. Những người ăn nhân điều một cách thiếu kiểm soát thường cảm thấy bị nóng trong người.

Trong hạt điều thô có chứa chất urushiol - một loại độc tố có hại cho cơ thể. Nếu ăn hạt điều có chứa chất này với liều lượng lớn có thể gây tử vong. Vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng loại hạt điều đã được xử lý bằng cách rang chín hoặc đã hấp để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Với những nhân điều bị mốc, bảo quản không tốt có thể gây ra các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa như tiêu chảy, ngộ độc. Hơn nữa, khi bạn ăn phải nhân hạt điều này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Khi chế biến và bảo quản, tránh để nhân điều bị nhiễm nấm Aspergilus - một loại độc tố aflatoxin gây ung thư.

4. Nên ăn bao nhiêu hạt điều mỗi ngày?

Để có thể hấp thụ tốt các dưỡng chất có trong hạt điều, bạn chú ý thưởng thức lượng vừa đủ. Mỗi lần ăn từ 16-18 hạt, bạn sẽ nhận được 37,4% chất béo không bão hóa đơn giúp tim khỏe mạnh, 38% khoáng chất đồng và 22,3% magiê. Mỗi tuần ăn từ 2-3 lần là vừa đủ.

Ăn quá nhiều hạt điều có thể gây nóng trong người, dễ bị ngán. Bạn có thể kết hợp thưởng thức hạt điều với một tách trà nóng, hoặc nhâm nhi với lon bia thì thật tuyệt vời.

Thưởng thức hạt điều với tách trà để tăng hương vị - Ảnh minh họa: Internet

5. Những đối tượng nên tránh ăn hạt điều

Những đối tượng dưới đây không nên ăn hạt điều hoặc ăn với số lượng hạn chế để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe:

Những người bị khan tiếng

Người bị khan tiếng nên tránh ăn các loại hạt trong đó có hạt điều vì chúng có chứa axit béo làm kích thích niêm mạc họng, khiến giọng nói của bạn bị khàn hơn.

Những người bị suy thận

Hạt điều có chứa hàm lượng kali dồi dào, nhất là loại hạt điều rang muối sẽ khiến cho người bị suy thận bị nặng hơn.

Những người bị suy thận không nên ăn hạt điều - Ảnh minh họa: Internet 

Trẻ em dưới 3 tuổi

Mặc dù tác dụng của hạt điều đối với trẻ nhỏ rất tốt, nhưng với trẻ ở độ tuổi dưới 3 tuổi không nên ăn hạt điều. Vì hạt điều có kích thước nhỏ, cứng, dễ bị hóc, nghẹn, gây ngạt thở nguy hiểm.

Mẹ bầu dưới 3 tháng

Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu nên hạn chế ăn các loại hạt vì cơ thể thai phụ lúc này khá nhạy cảm, không thể hấp thụ hết các chất dinh dưỡng. Hơn nữa, hạt điều còn ẩn chứa nguy cơ dị ứng cao nên bạn cần chú ý khi sử dụng.