Sau ca mổ, Tú Cẩm vẫn đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Kể về hành trình kỳ diệu sau ca mổ thành công của con tại Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Thu - mẹ của Tú Cẩm nói trong niềm vui vỡ òa: “Đó là phép màu”.

Bà Thu kể, lấy chồng được một năm, Cẩm sinh đứa đầu lòng khỏe mạnh. Nhưng sau khi sinh một năm, cơ thể Cẩm càng ngày càng sút cân (từ 45kg chỉ còn 20kg), người toàn xương, da. Gia đình đã đưa đi khám nhiều nơi nhưng không phát hiện bệnh.

Lúc đầu gia đình đưa Cẩm vào Quy Nhơn khám, làm hết các xét nghiệm tổng quát cũng không chẩn đoán ra bệnh. Về nhà một thời gian, con lại co giật, không thở được, ăn không được, nước, sữa uống vào lại trào ngược lên… Gia đình lại đưa Cẩm vào Bệnh viện Quảng Ngãi rồi đưa ra Bệnh viện Đà Nẵng cũng không thể chẩn đoán con bị bệnh gì.

Sau đó, gia đình lại tiếp tục đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán Cẩm bị bệnh “teo cơ tủy tiến triển, suy mòn viêm phổi, thiếu máu” phải thở bằng máy, không thể tự thở. Nằm điều trị một thời gian, các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy khuyên đưa cả 2 mẹ con về Bệnh viện Quảng Ngãi điều trị được ngày nào hay ngày đó.

Tú Cẩm cười khi nghe nhắc đến con.

Gia đình lại tiếp tục đưa Cẩm về Bệnh viện Quảng Ngãi điều trị 4 tháng rưỡi, rồi đưa ra Bệnh viện Phụ Sản Nhi để sinh nhưng bệnh viện không tiếp nhận do lo ngại tình trạng bệnh của con và chuyển qua Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

“Vào bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng điều trị được 4 ngày, gia đình nhận được điều kỳ diệu này. Lúc mang bệnh, là lúc cháu phát hiện mang thai được 3 tuần, cơ thể gầy gò ốm yếu, không thể tự thở, ăn được, nhiều lần nhập viện cấp cứu, thế mà nó không chịu bỏ con… Các bác sĩ khuyên bỏ thai để có thể điều trị cứu mẹ. Nhưng khi gia đình nói, quyết định ký giấy, Cẩm lại không chịu, cương quyết giữ. Mọi sinh hoạt của con đều phải nhờ máy, từ khi mang thai đến lúc mổ lấy con, cơ thể nó không chịu nổi đã nhiều lần cấp cứu lâm sàng ngừng thở thế mà nó vẫn quyết giữ…

Chăm con từ ngày bệnh đến khi mổ, tôi sợ lắm, sợ với cơ thể yếu ớt con không thể chịu được. Cháu gái cân nặng 1,9kg đang được chăm sóc tại Bệnh viện Phụ Sản Nhi. Tôi không nghĩ 2 mẹ con nó sống đến được hôm nay, mẹ tròn con vuông. Tôi rất cảm ơn các y bác sĩ ở Đà Nẵng…”, ngồi bên góc bệnh viện, bà Thu vừa kể vừa lén lau vội dòng nước mắt.

Tiếp nhận điều trị, cùng ekip phối hợp mổ sinh cho Tú Cẩm, bác sĩ Võ Duy Trinh- Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh táo, teo cơ toàn thân, không tự thở được, phải thở hoàn toàn bằng máy thở.

Khi bệnh nhân nhập viện đang ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, do bệnh nhân thở máy kéo dài sẽ có tình trạng nhiễm trùng phổi, ảnh hưởng của vấn đề thuốc men sẽ đi vào máu thai nhi. Do vậy cần lấy thai sớm để cứu cháu bé, tránh suy thai, khoa đã quyết định chấm dứt thai kỳ, mổ lấy cháu bé.

Cháu bé chào đời cân nặng 1,9kg đang được chăm sóc tại Bệnh viện Phụ Sản Nhi Đà Nẵng.

 

Khi tiến hành mổ lấy thai, Khoa đã tiến hành hành hội chẩn viện. Bệnh nhân này được phối hợp lấy thai giữa các khoa hồi sức chống độc, khoa sản, khoa gây mê hồi sức Bệnh viện Đà Nẵng và e kíp chuyên khoa nhi sơ sinh của Bệnh viện Phụ Sản Nhi.

Sau khi mổ lấy thai, bệnh nhân tương đối ổn định, cháu bé được đưa ngay về Khoa nhi, Bệnh viện Phụ Sản Nhi chăm sóc. Tuy nhiên, với tình trạng bệnh này, bệnh nhân có thể phải thở máy suốt đời. 

Dẫu không thể nói được do tiến triển của căn bệnh teo cơ tủy tiến triển, Tú Cẩm vẫn hay hỏi mẹ về sức khỏe của con qua những phím chữ trên điện thoại khi chị có điều gì muốn nói. Với Tú Cẩm lúc này, con được chào đời khỏe mạnh là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao nhất, là động lực cho chị tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.