1. Phoóc môn
Các đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đã phát hiện nhiều thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng nhưng được bảo quản bằng chất phoóc môn như bánh phở, nầm lợn, cá khoai… Khi phoóc môn xâm nhập vào cơ thể con người có thể từ gây khó tiêu hóa đến gây viêm loét các tế bào, thực quản, dạ dày, ruột… Nếu nhiễm phải một lượng cao có thể gây tử vong. Ở thể khí nếu hít phải phoóc môn có thể gây ngạt thở và mắc nhiều bệnh về hô hấp.
Phoóc môn có tên hóa học là formaldehyde (công thức hóa học HCHO), tồn tại ở dạng khí hoặc dạng lỏng. Ở thể dung dịch phooc môn có tính sát trùng rất mạnh, kết hợp với chất anbumin tạo ra chất chống thối rữa, bảo quản.
2. Hàn the
Hàn the, tên hóa dược là borax, là muối natri của acid boric. Đây là một chất sát khuẩn và nấm yếu, được dùng trong y tế để làm săn, dùng ngoài để diệt khuẩn và nấm nhẹ. Do có tính năng giữ thực phẩm tươi lâu, làm chậm quá trình phân rã, nhất là làm cho thực phẩm trở nên giòn, dai, nên hàn the đang được những người buôn bán sử dụng như một chất không thể thiếu trong việc bảo quản thực phẩm… Các loại tôm, cá, thịt tươi bày bán ở các chợ hiện nay được phơi nắng, phơi gió suốt cả ngày mà vẫn giữ màu tươi nguyên chính nhờ kĩ thuật bảo quản như tẩm ướp hóa chất độc hại (hàn the).
Hàn the cũng được tìm thấy trong gần 70% các sản phẩm giò sống, chả lụa, mì sợi bán trên các xe bánh mì, quán mì, bánh cuốn, quán ăn uống bình dân và 50% sản phẩm tại các cơ sở sản xuất. Hàn the còn có trong các loại bánh giò, phu thê, da lợn, bánh đúc.. Trong quá trình tẩm ướp của người buôn bán, lượng hàn the thường không đủ cao nên ít gây ra ngộ độc cấp tính, mà sẽ gây tình trạng ngộ độc mãn tính với số lượng mỗi ngày đưa vào cơ thể một ít, tích tụ dần.
Một lượng hàn the rất thấp (khoảng 5 gram trở lên) có thể gây ngộ độc cho người sử dụng, thậm chí dẫn đến tử vong khi nồng độ cao hơn. Triệu chứng dễ nhận biết là rối loạn tiêu hóa, chán ăn, mệt mỏi khó chịu. Với trẻ em sẽ gây suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí não. Ngoài ra, hàn the còn làm tổn thương các tế bào gan, teo tinh hoàn và là một trong những tác nhân gây ung thư.
3. Tinopal
Tinopal là một hóa chất tẩy rửa dạng bột màu hơi vàng được sử dụng trong công nghiệp có tác dụng làm tăng trắng quang học (OBA) sử dụng cho giấy. Đây là chất tăng trắng cơ bản được sử dụng cho tất cả các ứng dụng của phần ướt, phần ép và tráng phủ giấy. Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều sản phẩm bún, bánh phở, bánh ướt, hủ tiếu... trên thị trường nhiễm chất tinopal. Đây cũng là loại chất không có trong danh mục phụ gia hóa chất thực phẩm được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm do Bộ Y tế ban hành.
Việc sử dụng thường xuyên thực phẩm có chứa tinopal sẽ gây hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, thậm chí có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Nếu ăn thực phẩm chứa chất tinopal lâu dài sẽ gây suy gan, suy thận, cơ thể mệt mỏi và mắc cả bệnh ung thư. Ngoài ra, tùy theo lượng độc tố tinopal vào cơ thể với hàm lượng bao nhiêu mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính.
4. Bột săm-pết
Đây là một loại phụ gia được khá nhiều người buôn bán sử dụng để tẩy thịt ôi thiu thành thịt tươi mới, có tính độc hại cao nhưng bù lại giá thành rẻ và được nhiều người sử dụng để tẩy thịt bẩn. Theo thông tin từ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, trong một mẫu bột săm-pết mới được kiểm nghiệm cho thấy hóa chất này có tên là Natri sunphat (Na2SO4), là một loại hóa chất tẩy trắng được dùng trong công nghiệp và không nằm trong danh mục phụ gia được sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định.
[bestie nhung hoa chat doc hai co trong thuc pham 6]
Tại Việt Nam, bột săm-pết là một loại hóa chất tẩy trắng được dùng trong công nghiệp chứa độc tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, nghiêm trọng nhất là tăng nguy cơ gây ung thư ở cả người lớn và trẻ em. Nếu ăn phải thịt ôi thiu đã được tẩy rửa bằng bột săm-pết, trẻ em có thể sẽ bị mắc hội chứng da xanh xao (blue baby), ung thư, thậm chí tử vong.
5. Thuốc điều hoà kích thích sinh trưởng
Loại thuốc điều hoà kích thích sinh trưởng sử dụng trên rau mầm, giá đỗ, cây su su có hoạt chất chủ yếu thuộc về họ Cytokinins và họ Auxins. Các chất này chứa hàm lượng kiềm cao khi tiếp xúc trực tiếp có thể gây bỏng da, hỏng mắt, nếu nuốt hay hít phải có thể làm tổn thương bộ máy tiêu hóa và hệ hô hấp.
6. Thuốc “kích phọt” rau
Tình trạng sử dụng thuốc kích thích rau mọc nhanh, thu hoạch sớm, sản phẩm đẹp mắt nhưng lại chứa nhiều chất độc gây hại cho sức khỏe đã và đang tiếp tục được dư luận lên án và cảnh tỉnh đối với người tiêu dùng. Điển hình loại thuốc được các hộ kinh doanh sử dụng để kích thích các loại rau (muống, mồng tơi…) mọc nhanh chỉ trong một đêm nhìn tươi ngon nhưng lại không có chất dinh dưỡng lại chứa chất axit gibberellic là chất gây loãng tế bào, dị ứng với mắt.
7. DEHP
DEHP là một hóa chất hữu cơ ở dạng chất lỏng khan, trong suốt, gần như không có màu, có mùi khó nhận biết. Chất này tan rất tốt trong dầu (mỡ) và tan rất ít trong nước nên nó có khả năng tạo độ nhớt, đục, đặc cho các chế phẩm nước giải khát, nước uống, thạch… Năm 2011, Cục an toàn thực phẩm mở rộng đã phát hiện chất này có ở nhiều nhóm thực phẩm nhập khẩu từ Đài Loan như bánh kẹp, sữa, thạch, nước rau câu, đặc biệt là các nhóm nước giải khát (bột dùng để pha chế trà chanh).
Đây là chất gây giảm khả năng sinh dục của nam, thậm chí còn khiến “của quý” teo lại. Ngoài ra, DEHP còn gây rối loạn dậy thì ở nữ giới, về lâu dài rất nguy hại đến sức khỏe. Chất này còn gây ra những ngộ độc cấp tính có thể gây tử vong tại chỗ.