Hàng trăm trẻ nhập viện vì bệnh ho gà
Phần lớn trẻ nhập viện do bệnh ho gà đều dưới 1 tuổi, chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng bệnh. Hiện Trung tâm Bệnh nhiệt đới điều trị cho gần 40 trẻ mắc bệnh ho gà, một bệnh nhi nặng, cần phải thở máy.
Trường hợp nhập viện mới nhất là bé gái 24 ngày tuổi, ở Lạng Sơn. Bé gái đến viện trong tình trạng ho nhiều cơn, ho đến tím mặt, trớ ra nhiều đờm trắng quánh dính.
Qua khai thác bệnh sử, gia đình cho hay trước khi nhập viện 20 ngày, mẹ của bệnh nhi có triệu chứng ho nhưng không đi khám và vẫn chăm sóc trẻ. Khoảng một tuần trước khi nhập viện, trẻ xuất hiện ho húng hắng, không sốt.
Sau đó, bé xuất hiện ho nhiều cơn rũ rượi, trong cơn ho có tím mặt và trớ ra nhiều nên gia đình đã đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám và điều trị.
Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành lấy mẫu dịch đường hô hấp để xét nghiệm. Kết quả, trẻ được chẩn đoán mắc bệnh ho gà. Hiện sau 5 ngày điều trị, tình trạng trẻ đã cải thiện đáng kể, giảm ho, ăn ngủ được, dự kiến ra viện trong một vài ngày tới.
TS.BS Trần Thị Thu Hương, Trưởng khoa Khám và Điều trị ban ngày, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, cho hay ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường gặp ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho.
"Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm thậm chí không qua khỏi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời", bác sĩ Hương nói.
Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ, cha mẹ cần đưa con đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Trẻ điều trị càng sớm, càng nhanh khỏi bệnh và ít có nguy cơ bị biến chứng.
Ho gà là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp gây ra do vi khuẩn Bordetella pertussis, có tính lây truyền rất cao ở mọi độ tuổi nếu chưa có miễn dịch phòng bệnh, đặc biệt nguy hiểm ở trẻ dưới 1 tuổi.
Tiêm ngừa vaccine là cách hữu hiệu để phòng ngừa bệnh ho gà hiệu quả nhất cho trẻ em cũng như cả gia đình. Tuy nhiên, miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian nên trẻ cần được tiêm nhắc theo lịch; người lớn cần tiêm nhắc mỗi 10 năm; phụ nữ có thai tiêm trong khoảng từ tuần 27 đến trước tuần 36 của thai kì. Điều này sẽ góp phần duy trì miễn dịch cộng đồng và bảo vệ trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời.
Biện pháp phòng ngừa khác có thể áp dụng được khuyến cáo như đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ vệ sinh khi ho, hắt hơi, vệ sinh bề mặt các vật dụng, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn; bên cạnh đó cần hạn chế để trẻ tiếp xúc với người đang có các triệu chứng đường hô hấp.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...