Giá xăng đã giảm nhưng xem ra chỉ mới chặn được phần nào đà tăng giá, chứ chưa thấy động thái giảm giá hàng hóa từ thị trường. Thậm chí, một số mặt hàng thiết yếu như rau củ, thịt cá, trứng gà… trên thị trường còn có xu hướng tăng. 

"Đau đầu" với việc hàng hóa leo thang chưa xong, người lao động, làm công ăn lương còn phải đối mặt với thuế. 

Người làm công ăn lương đóng góp 70% nguồn thu thuế thu nhập cá nhân.

Nhiều mặt hàng tăng giá - Ảnh minh họa: Người Lao Động

Đây cũng là một trong ba sắc thuế đóng góp lớn nhất cho thu ngân sách nhà nước hằng năm, với 110.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng thu cân đối ngân sách của năm 2021 và chỉ xếp sau hai sắc thuế trụ cột của nền kinh tế là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng (VAT).

Theo quy định hiện hành, có 10 khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN với các mức thuế suất và cách tính khác nhau, trong đó duy nhất thu nhập từ tiền lương, tiền công áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần (thuế suất 5 - 35%), còn các khoản thu nhập khác áp dụng theo thuế suất toàn phần. Vì vậy, ngay trong sắc thuế TNCN thì đã có nhiều quy định chưa công bằng cho người nộp thuế.

 “Hằng tháng, thu nhập của hai vợ chồng sau khi trừ gia cảnh vẫn còn phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ở bậc 2 khoảng 10%. Nhưng gia đình cũng phải phụ giúp cho bố mẹ hai bên, rồi còn rất nhiều chi phí phát sinh khác mà không thể kể hết nên xoay đi xoay lại không còn dư đồng nào. Khổ cái là mọi hàng hóa nay đều đắt đỏ nên nay cả ăn uống cũng phải tiết kiệm hơn trước rất nhiều”, chị Kim Nga chia sẻ với báo Thanh Niên. 

 Người lao động 'oằn mình' đóng thuế, đợi ngày giảm giá như 'nắng hạn trông mưa' - Ảnh minh họa: Internet

Cùng tâm trạng, anh Nguyễn Quý (Q.8, TP.HCM) than thở, bố mẹ đã gần 80 tuổi, ông là thương binh nên mỗi tháng nhận được trợ cấp 2,1 triệu đồng, bà thì lương hưu cũng chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Thu nhập của hai ông bà cộng lại vẫn không đủ chi tiêu cơ bản như ăn uống, đó là chưa kể tuổi cao sức yếu còn phải hay uống thêm các loại thuốc. Nhưng anh lại không thể đăng ký cho ông bà là người phụ thuộc để được giảm trừ gia cảnh vì theo quy định là thu nhập quá 1 triệu đồng/tháng sẽ không tính là phụ thuộc. Chính vì vậy với mức lương chưa được 20 triệu đồng/tháng và chỉ trừ gia cảnh bản thân anh là 11 triệu đồng/tháng và phần còn lại anh vẫn phải đóng thuế TNCN như những năm trước.

Căn cứ Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công được tính như sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân - Các khoản giảm trừ 

Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân = Tổng thu nhập - Các khoản thu nhập được miễn thuế.

Căn cứ các công thức trên thì cá nhân chỉ phải nộp thuế khi có thu nhập tính thuế. Để xác định chính xác mình có phải nộp thuế hay không và nộp bao nhiêu thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công tính tuần tự theo các bước:

Bước 1: Tính tổng thu nhập

Bước 2: Tính các khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân (nếu có)

Bước 3: Tính thu nhập chịu thuế theo công thức 

Bước 4: Tính các khoản giảm trừ

- Giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm).

- Giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, người nộp thuế còn được tính giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, đóng góp từ thiện, khuyến học, nhân đạo.

Bước 5: Tính thu nhập tính thuế theo công thức 

Bước 6: Tính số thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo công thức 

Như vậy, đối với cá nhân không có người phụ thuộc thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng (thu nhập này đã trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc và các khoản đóng góp khác như từ thiện, nhân đạo,…).