"Tôi có 7 con gái và một người chồng nghiện rượu. Nhiều năm qua tôi phải gồng gánh, trồng trọt, chăn nuôi để có tiền cho các con ăn học. Thế nhưng sức một mình tôi không thể nào gánh nổi. Chồng liên tục say rượu rồi về nhà đánh đập vợ con. Cả gia đình trông chờ vào mẫu ruộng nhưng cứ làm ra đồng nào thì ông ấy lại mang đi uống rượu hết. Một tuần ông ấy say 6 ngày, rồi lại giáng lên đầu tôi những trận đòn roi", chị Lê Thị Hậu (xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) chia sẻ.
Gặp chị Hậu tại một buổi tập huấn về phòng chống bạo lực gia đình do Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Nghệ An tổ chức, ít ai nghĩ rằng năm nay chị chưa đến 50 tuổi. Vẻ ngoài khắc khổ, làn da đen sạm, khiến chị già hơn nhiều so với tuổi thực.
Chị Hậu kể, ngày chưa nghiện rượu, chồng chị khá tu chí làm ăn. Nhưng từ năm 1993, khi gia đình dọn ra ngoài ở riêng, chồng chị bắt đầu có thêm nhiều thói hư tật xấu.
"Gần 30 năm nay ông ấy liên tục say xỉn. Lần nào ông ấy cũng lôi chuyện tôi không đẻ được con trai ra để gây sự, chửi bới, đánh đập tôi. Sinh đến 7 đứa rồi, nhưng vẫn không ra được thằng cu, tôi cũng khổ tâm lắm…", chị Hậu tâm sự.
Biết vậy nên những lúc chồng say, chị thường tìm cách né tránh để bảo vệ mình. Chị hiểu nếu không có chị, các con không biết bấu víu vào đâu. Trong số 7 người con của chị, có 3 người đã lập gia đình, có cháu phải nghỉ học vì mẹ không đủ điều kiện.
Điều khiến chị đau đớn nhất là cách đây 3 năm, chồng và con gái 13 tuổi đều bị chẩn đoán ung thư. Nỗi đau chồng chất khiến chị Hậu suy sụp tinh thần. Nuôi các con đã vất vả giờ lại thêm gánh nặng bệnh tật của chồng và con gái, chị thực sự không biết ra sao. Chị gồng mình làm, chỉ cần ai thuê mướn là chị nhận hết để kiếm thêm tiền lo cho con.
"Bệnh của con nặng không biết ngày mai ra sao nhưng mình làm mẹ chỉ biết cố gắng hết sức, giúp con được ngần nào hay ngần ấy. Chồng tôi bị ung thư gan, cắt hơn 1/3 lá gan và cả mật, bây giờ cũng thuốc thang điều trị. Nhưng dù biết bệnh thì ông ấy vẫn không bỏ rượu, vẫn tiếp tục uống, tôi cũng chẳng còn cách nào để cấm, cấm thì lại bị ông ấy cho ăn đòn", chị Hậu kể.
Được sự hỗ trợ của chính quyền xã cũng như tổ chức Hagar, chị Hậu nhận được khoản chu cấp gần 3 triệu đồng/tháng. Đối với chị đây không chỉ là món quà vật chất, nó còn là nguồn động viên tinh thần lớn lao giúp chị vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Chồng chị cũng nhiều lần được xã cho đi cai rượu thậm chí triệu tập để điều chỉnh về hành vi bạo lực của mình và bước đầu có những thay đổi tích cực về nhận thức.
"Giờ đây, tôi không mong gì hơn là các con được khỏe mạnh, chồng không bạo lực vợ con. Mỗi lần chồng tỉnh, tôi lại khuyên ông ấy bỏ rượu để gia đình được bình yên. Ông ấy có vẻ cũng dần nghe ra…", chị Hậu xúc động.
Ông Hồ Nguyên Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho hay, Đội phản ứng nhanh (đội tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình) đã có những chính sách truyền thông, ngăn chặn tình trạng bạo lực. Đồng thời xã và tổ chức Hagar cũng hỗ trợ sinh kế giúp người khó khăn có thêm thu nhập. Nhiều người có những thay đổi tích cực về nhận thức dần kéo theo sự thay đổi về hành vi. Tuy nhiên, việc làm sao để khiến những người gây bạo lực nhận ra sai lầm và thay đổi không phải là chuyện một sớm một chiều mà là cả một quá trình "mưa dầm thấm lâu".