Hai ngộ nhận thái quá về sữa mẹ và da kề da cho trẻ
Trào lưu sinh con thuận tự nhiên mới đây trong một bộ phận thai phụ được xem là phi khoa học, ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Dù thông tin một trường hợp tử vong cả mẹ lẫn con do tự sinh tại nhà theo trào lưu này là thất thiệt nhưng đây cũng là cảnh báo một thực tế có nhiều mẹ đang tin và có xu hướng thực hiện. Bên cạnh đó, có những hiểu nhầm trong quá trình chăm sóc con mà người mẹ cần nắm rõ.
Da kề da để chữa bệnh
Cũng xuất phát từ tâm lý chăm con một cách "thuận tự nhiên" nhất, nhiều chị em đã chia sẻ cho nhau cách trị bệnh bằng da kề da.
Theo đó, khi bé bị sốt, họ cương quyết không cho con dùng thuốc hoặc các biện pháp khác, chỉ dùng cách da kề da để hạ sốt cho bé.
Về điều này, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết da kề da sau sinh là một biện pháp rất khoa học và được nhiều bệnh viện trên thế giới áp dụng. Theo đó, ngay sau khi sinh, em bé sẽ được đặt ngay trên bụng, trong lòng người mẹ, da - tiếp - da với mẹ. Biện pháp này được đánh giá là tốt cho cả mẹ và bé.
Thứ nhất, da kề da giúp ủ ấp cho trẻ, chống lạnh ngay sau khi trẻ rời bụng mẹ. Khi trẻ không bị lạnh sẽ tăng sức đề kháng. Việc này còn có ý nghĩa tăng tình mẫu tử. Người mẹ khi được ôm con trong khoảnh khắc sau 9 tháng 10 ngày sẽ rất sung sướng, hạnh phúc. Nhờ năng lượng tích cực đó, dạ con của mẹ sẽ co tốt hơn, nhanh hồi phục.
“Đặc biệt, việc da kề da với mẹ còn cho em bé có cơ hội tiếp cận ngay làn da người mẹ với một số vi khuẩn thông thường, điều này giống như việc em bé được tiêm chủng sớm, từ đó tăng khả năng miễn dịch. Đây là một phát hiện mới về tác dụng của da kề da ngay sau sinh”, PGS Ánh nói.
Theo chuyên gia này, phương pháp da kề da có ý nghĩa nhất ngay sau khi trẻ chào đời. Trong quá trình nuôi dưỡng trẻ sau này, các tác dụng trên không còn đầy đủ.
Riêng việc dùng da kề da để hạ sốt hoặc chữa các bệnh cho trẻ, PGS Ánh khẳng định mỗi phương pháp chỉ có một giá trị điều trị nhất định, không thể thay thế cho phương pháp khác.
“Mặc dù da kề da giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ nhưng không phải vì thế mà đủ sức đề kháng chống lại vi khuẩn, chẳng hạn trong trường hợp bé bị sốt do nhiễm trùng hoặc rối loạn điện giải do ra nhiều mồ hôi. Mỗi trường hợp sốt hoặc bệnh có nguyên nhân khác nhau, tùy theo đó sẽ có cách điều trị khác nhau”, PGS Ánh phân tích.
Sữa mẹ là thần dược?
Về việc một số bà mẹ có quan điểm cho con bú càng lâu càng tốt, có những người khi con 6 tuổi vẫn không cai sữa mẹ, chuyên gia này phân tích: “Sữa mẹ rất cần trong giai đoạn đầu khi đứa trẻ chưa thể ăn được. Tuy nhiên khi trẻ có thể tự ăn được và lớn lên thì nhu cầu dinh dưỡng sẽ tăng lên nhiều. Con lớn thì sữa mẹ loãng hơn, mẹ không thể chuyên tâm bồi bổ để cho sữa thì lúc này sữa không còn nhiều chất và không đáng bao nhiêu so với nhu cầu của một đứa trẻ, không cung cấp đầy đủ hệ miễn dịch cho bé nữa”.
Do đó, PGS Ánh lưu ý dù sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhỏ đồng thời giúp sức đề kháng và hệ miễn dịch của bé tốt hơn nhờ kháng thể trong sữa. Tuy nhiên không thể coi sữa mẹ có thể thay thế tất cả, sữa mẹ không thể chữa tất cả các bệnh cho bé.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...