Sinh và chăm sóccon yêu là niềm hạnh phúc vô bờ của bất cứ người mẹ nào. Ngay từ khi sinh ra, sữa mẹ là nguồn thức ăn duy nhất và bổ dưỡng nhất mẹ dành cho con. Nhưng có không ít người mẹ lại "khốn khổ" cũng vì nhiều sữa dẫn đến tắctia sữa.
Nguyên nhân mẹ bị tắc tia sữa
Các mẹ cần biết rằng, sữa được tạo ra ở nang sữa theo các ống dẫn đổ về xoang chứa sữa ở phía sau quầng vú, dưới tác dụng kích thích của động tác bú mút của bé, sữa sẽ chảy ra ngoài. Trên dòng chảy, vì một lí do nào đó mà lòng ống dẫn bị hẹp bít lại (chèn ép từ ngoài vào hay bít tắc trong lòng ống), sữa sẽ không thể thoát ra ngoài được. Tại chỗ tắc sẽ dần tạo thành hòn cục do hiện tượng sữa đông kết. Trong lúc đó, sữa vẫn tiếp tục được tạo ra, làm cho các ống dẫn trước chỗ tắc ngày càng bị căng giãn. Hiện tượng này gây chèn ép các ống dẫn sữa khác, tạo ra một vòng xoắn bệnh lí, làm tình trạng tắc sữa ngày càng nặng thêm.
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân sau đây gây tắc tia sữa sau khi sinh như: Không day đều bầu sữa để thông tia sữa ngay sau khi sinh; không vắt bỏ sữa thừa (khi bé bú không hết) gây ứ đọng sữa; mẹ bị cảm lạnh nên sữa khó lưu thông; sau khi cho bé bú không vệ sinh lau rửa đầu vú sạch…
Nhận biết dấu hiệu tắc tia sữa
Dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng tắc sữa là bầu vú căng to hơn so với bình thường và càng lúc càng tăng dần, đau nhức và không tiết sữa hoặc ra ít, vắt cũng không ra. Có cảm giác sốt, đau tăng lên nếu sữa đã ứ đọng nhiều ở bên trong. Việc khai thông ống dẫn sớm sẽ làm giảm tình trạng bệnh và hạn chế hậu quả do tắc kéo dài. Nếu không chữa trị kịp thời, tắc tia sữa sẽ chuyển sang áp-xe vú vô cùng nguy hiểm.
Nếu đang chịu đựng tình trạng tắc sữa, mẹ nhớ tránh những điều dưới đây:
Tắm nước lạnh: Thực ra nước lạnh không làm trầm trọng thêm tình trạng tắc sữa, nhưng nước ấm là lựa chọn tốt nhất trong những trường hợp này. Nhiệt độ giúp làm tăng tuần hoàn, giúp đánh tan phần tắc nghẽn trong tia sữa. Ngoài việc tắm nước ấm, bạn còn cần một túi chườm nóng hoặc khăn nóng để chườm ngực khi không phải cho con bú.
Trì hoãn uống thuốc kháng viêm: Đôi khi bạn cần phải sử dụng các loại thuốc kháng viêm như Ibupropen để giúp giảm đau và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm. Đừng lo lắng vì thuốc sẽ không làm giảm lượng sữa của bạn.
Uống ít nước: Bạn biết đấy, uống ít nước không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung mà còn khiến cơ thể không sản xuất đủ sữa nữa. Nếu bạn bị tắc tia sữa kèm theo sốt thì lại càng nên bổ sung nhiều nước.
Không cho bé bú: Khi bị tắc sữa, đừng hoảng sợ và ngừng cho con bú. Cho bé bú hay vắt sữa thường xuyên sẽ giúp luồng sữa lưu thông tốt hơn và bạn mau thoát khỏi tình trạng đau nhức.
Nếu không bị nhiễm trùng, bạn có thể cho bé bú bên ngực bị đau. Nhớ massage nhẹ nhàng bên ngực này và vắt sữa để tạo dòng chảy trước khi bé bú. Trong lúc cho con bú, bạn cũng nên nhẹ nhàng massage vùng bị đau, tắc.
Không mặc áo ngực: Sai lầm của nhiều mẹ là không mặc áo ngực cho con bú khiến cho ngực không được nâng đỡ, dễ dẫn đến tắc tia sữa. Khi bị tắc tia sữa, đừng quên chọn cho mình một chiếc áo ngực vừa vặn. Không nên chọn loại có gọng cứng vì chúng khiến tia sữa càng bị dồn nén hơn.