Cha con nghệ sĩ Thanh Tòng - Quế Trân

Theo quyết định số 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11/2023, có 42 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Trong danh sách được phong tặng có NSƯT Quế Trân - gương mặt nổi bật của làng cải lương miền Nam.

Quế Trân là con gái của NSND Thanh Tòng - người được mệnh danh là "ông vua cải lương" của Việt Nam. Ông sinh năm 1948 tại Sài Gòn. Năm 3 tuổi, Thanh Tòng đã bắt đầu theo học hát. Năm lên 6 tuổi ông diễn vở "San Hậu", sau đó học ca diễn cải lương, tân nhạc, múa vũ đạo.

NSND Thanh Tòng và con gái - nghệ sĩ Quế Trân. (Ảnh: TL)

Tới năm 11 tuổi, nghệ sĩ Thanh Tòng đã được hàng loạt các nhà báo, ký giả tại Sài Gòn phong cho danh hiệu "thần đồng sân khấu". Ông gây dấu ấn với hàng loạt vai diễn như: Trịnh Ân, Bao Công, Quan Công, các vai giả gái như vai Điêu Thuyền, Hồ Nguyệt Cô... Sau này, nghệ sĩ Thanh Tòng còn là thầy của nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng: Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Tú Sương... Năm 2007, ông được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Năm 2016, ông qua đời.

Thừa hưởng truyền thống gia đình, Quế Trân theo nghiệp cải lương từ năm 8 tuổi ở đoàn Đồng ấu Bạch Long. Nữ nghệ sĩ từng giành nhiều giải thưởng như Giải Mai Vàng; Huy chương Vàng - Giải thưởng Trần Hữu Trang, Huy chương Vàng/Bạc - Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc; Huy chương Vàng - Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp khu vực các tỉnh phía Nam... Ngoài nghệ thuật, cô còn là đại biểu HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa 8 (2011 - 2016), khóa 9 (2016 - 2021)...

Nghệ sĩ Quế Trân và NSND Thanh Tòng trong vở "Thầy bói gả con". (Clip: Quế Trân YouTube)

Quế Trân thành công với nhiều vai: Phương Thảo (vở Nhảy múa với quỷ dữ), Nga (vở Khúc ly hương), Phượng (vở Con mắt thời gian)... Ở tuổi ngoài 40, nữ nghệ sĩ vẫn sống độc thân và dành hết tâm huyết cho sân khấu.

Cha con nghệ sĩ Trần Tiến - Lê Khanh

Cố NSND Trần Tiến là tài năng lớn của sân khấu kịch Việt Nam. Ông sinh năm 1937 tại Hà Nội, bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ năm 1954 bằng những vai hề chèo. Đến năm 1961, nghệ sĩ Trần Tiến theo học khóa diễn viên của trường Nghệ thuật Sân khấu. Ra trường, ông về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam) cho đến năm 2012.

NSND Trần Tiến và con gái - nghệ sĩ Lê Khanh. (Ảnh: TL)

NSND Trần Tiến có hàng loạt vai diễn để đời, ghi dấu ấn trong nhiều thế hệ khán giả như Đại Cát trong Quẫn, Đế Thích trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Hoài Nghi trong Chuông đồng hồ điện Kremlin, Cố vấn ái tình trong Kén rể, Nguyễn Trãi trong Nguyễn Trãi ở Đông Quan... Ngoài ra, ông còn tham gia một số bộ phim như Thằng Bờm, 5 ngày làm Thượng đế, Chuyện làng Nhô, Hà Nội 12 ngày đêm, Những người săn lùng cái đẹp, Bi đừng sợ… Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 1993. Nghệ sĩ qua đời vào đầu năm 2023 tại nhà riêng, thọ 86 tuổi.

Gia đình cố NSND Trần Tiến đều là những nghệ sĩ nổi tiếng. Vợ cũ của ông - nghệ sĩ Lê Mai vừa được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú vào đợt 10 (2023). Trước đó, con gái ông bà - NSND Lê Khanh đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2011, khi mới chỉ 38 tuổi. Lê Khanh sở hữu một sự nghiệp rực rỡ với hàng loạt vai diễn nổi bật trên sân khấu kịch. Đó là Lý Chiêu Hoàng trong vở Rừng trúc, Đan Thiềm trong vở Vũ Như Tô, Thúy trong Bến bờ xa lắc, Juliet trong vở Romeo và Juliet. Với phim ảnh, chị được công chúng nhớ tới với vai tu sĩ Băng Thanh trong Săn bắt cướp, chiến sĩ biệt động Điệp trong Dòng sông hoa trắng, Thùy trong Anh ấy không cô đơn, Lan trong Chuyện tình bên dòng sông. Chị từng đảm nhận vị trí Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, giảng dạy tại các lớp đào tạo diễn viên trẻ.

Hai cô con gái khác của ông là NSƯT Lê Vân và nghệ sĩ Lê Vi tuy hiện tại hiếm tham gia các hoạt động nghệ thuật nhưng cũng đều từng ghi dấu ấn tại hai lĩnh vực múa và phim ảnh.

Bên cạnh đó, NSƯT Lê Chức - em trai nghệ sĩ Lê Mai cũng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trong dịp này bởi hàng loạt đóng góp của ông cho lĩnh vực sân khấu.