Ngày 15/12, Sở LĐ-TB&XH TP. Hà Nội đã có thông tin về dự báo tình hình tiền lương, thưởng Tết trên địa bàn thành phố năm 2022. Theo đó, trong bối cảnh dịch bệnh cơ bản được kiểm soát cùng với việc triển khai các giải pháp thích ứng an toàn trong tình hình mới, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp những tháng đầu năm 2022 đã có nhiều khởi sắc.

Bên cạnh đó, với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, trong đó quy định mức lương tối thiểu tháng trả cho người lao động tăng bình quân xấp xỉ là 6%. Do đó, Sở LĐ-TB&XH TP. Hà Nội dự báo tiền lương bình quân chung của người lao động năm 2022 tăng khoảng từ 6 - 7% so với năm 2021.

Tuy nhiên, lương tối thiểu vùng dù đã được điều chỉnh tăng nhưng thu nhập hiện nay vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Do giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ xã hội, các mặt hàng thiết yếu tăng cao, vì vậy đời sống của đa số công nhân lao động trực tiếp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với thưởng Tết, Sở LĐ-TB&XH TP. Hà Nội dự báo tiền thưởng của người lao động sẽ giảm hơn so với năm 2021. Trong đó, mức giảm sâu thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ. Nguyên nhân do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động đã tác động ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp thiếu, hoặc không có đơn hàng trong những tháng cuối năm phải cắt giảm giờ làm, giảm nhân công.

Hà Nội dự lương tăng đến 7% nhưng nhiều doanh nghiệp có thể giảm thưởng Tết. (Ảnh minh họa)

Hiện, Sở LĐ-TB&XH TP. Hà Nội đã có công văn yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất cùng quận, huyện liên quan rà soát, tổng hợp tình hình lương, thưởng Tết của doanh nghiệp trên địa bàn. Các đơn vị được yêu cầu báo cáo về Sở LĐ-TB&XH TP. Hà Nội để tổng hợp gửi UBND thành phố và Bộ LĐ-TB&XH trước ngày 25/12.
Bên cạnh đó, để đảm bảo chế độ, quyền lợi của người lao động, Sở LĐ-TB&XH TP. Hà Nội cũng đã phối hợp Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp. Nhất là các nội dung về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động theo quy định.

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH các tỉnh phải báo cáo tình hình tiền lương và thưởng Tết của doanh nghiệp đối với người lao động trước ngày 25/12.

Theo Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019, thưởng Tết là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động dùng để thưởng cho người lao động. Khoản thưởng này được tính dựa vào kết quả sản xuất, kinh doanh của danh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Việc thưởng cho người lao động không phải là khoản bắt buộc mà phụ thuộc vào tình hình kinh tế của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp kinh doanh tốt, người lao động có thể nhận mức thưởng cao. Ngược lại, khi tình hình kinh doanh không khả quan, người lao động có thể nhận thưởng ít hoặc không được thưởng.

Pháp luật cho phép doanh nghiệp thưởng cho người lao động bằng tiền mặt hoặc vật chất. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải công khai quy chế thưởng để toàn bộ người lao động được biết.