Khoảnh khắc hãi hùng bị chó nhà "nổi điên" tấn công
Như mọi ngày, buổi sáng trước khi đi làm đồng, bà N.T.L. và người em gái sinh đôi là bà N.T.N., 75 tuổi, sống tại Gia Lâm, Hà Nội lại xích chó vào cổng để giữ nhà.
Tuy nhiên lần này, con chó mà các bà đã nuôi được 5 năm bất ngờ bị tuột xích và "nổi điên" lao vào tấn công chính người chủ của mình
Bị chiếc xe đạp chắn ngang trước cửa phòng khiến bà L. và bà N. không thể vào phòng tránh nạn và hứng trọn đòn tấn công của con chó dữ.
"Con chó cắn vào tay tôi vừa kéo, vừa nhay từ cổng nhà vào tận bếp, máu chảy rất nhiều. May mắn là hôm đó chị tôi không đi làm đồng trước tôi như mọi hôm, nên mới xông vào ứng cứu kịp thời, giải thoát tôi khỏi con chó dữ", bà N. nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng.
Sau khi bị chó tấn công, bà N. và bà L. vội rửa vết thương bằng xà phòng, sau đó cố men theo bờ tường ra ngoài đường được 15 mét thì hô hoán hàng xóm.
"Bà con làng xóm đến đều kinh hãi bởi vết thương do chó cắn trên người chúng tôi. Mọi người nhanh chóng lấy vải sạch ở nhà một người thợ may gần đó để bịt vào các vết thương, rồi lập tức đưa chúng tôi đến bệnh viện ở Gia Lâm", bà L. kể, "Nhờ có bà con xóm giềng chúng tôi mới giữ được cái mạng này".
Vì vết thương quá nặng, 2 bà được bệnh viện tuyến huyện băng bó rồi chuyển tiếp lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phẫu thuật, sau đó chuyển sang Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Đứt gân, gãy xương vì nhát cắn của chó dữ
Theo BS Nguyễn Thị Mát - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thời điểm nhập viện, cả 2 bà đều bị tổn thương nặng nề ở tay và đều bị gãy xương trụ.
Bà L. bị lộ cơ và lộ gân ở khu vực bị chó cắn. Trong khi đó, người em gái là bà N. bị tổn thương nặng hơn, bị lộ gân, cơ và cả xương, cấu trúc xung quanh vùng chó cắn bị dập nát nên việc điều trị dự kiến sẽ khó khăn hơn.
"Với bà L., sau khi được tiếp hợp xương ở Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi tiến hành phẫu thuật ghép vạt da và người bệnh được xuất viện sau khi hồi phục. Trường hợp của bà N. lại phức tạp hơn rất nhiều. Chúng tôi đã tiến hành 2 cuộc phẫu thuật. Cuộc đầu tiên là cắt lọc các tổ chức hoại tử, loại bỏ hết các phần bị chó cắn nát.
Trong ca mổ thứ hai, chúng tôi dùng vạt da ở bụng để ghép vào khu vực bị tổn thương, che đi phần bị hở lộ xương và lộ gân. Dự kiến sau ca phẫu thuật chuyển vạt da này khoảng 3 - 4 tuần, chúng tôi sẽ thực hiện ca phẫu thuật cuối cùng", BS Mát cho hay.
Theo chuyên gia này, việc điều trị các tổn thương nặng nề do chó cắn ở 2 người phụ nữ này đặt ra rất nhiều khó khăn.
Trước hết, vì bệnh nhân đã lớn tuổi, chức năng các cơ quan không còn như người trẻ nên công tác gây mê sẽ phải hết sức cẩn trọng.
Về điều trị, hai người phụ nữ cao tuổi đều có nhiều bệnh nền (tim mạch và hô hấp) sẽ khiến vết thương lâu lành hơn và các bác sĩ phải song song điều trị cả bệnh nền cho người bệnh.
"Vết thương do chó cắn được xếp vào nhóm vết thương nhiễm khuẩn. Vì răng của động vật chứa rất nhiều vi khuẩn đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh, nên việc xử trí sẽ khó khăn hơn và tiên lượng cũng dè dặt hơn. Bên cạnh việc phẫu thuật, xử trí vết thương còn cần điều trị dự phòng là tiêm chủng uốn ván, phòng dại", BS. Mát cho hay.
Điều may mắn là trong suốt quá trình chữa trị với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa: phẫu thuật tạo hình, chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng, các ca phẫu thuật đều đã thành công tốt đẹp. Sức khỏe của cả hai bà đều ổn định và được xuất viện sau khoảng một tháng điều trị.
Theo BS. Mát, sau khi về nhà, bệnh nhân được hẹn tái khám sau các mốc 2 tuần, 1 tháng và hướng dẫn tập phục hồi chức năng để khả năng vận động có thể khôi phục tối đa. Tuy nhiên, vì bệnh nhân đã bị mất một số đoạn gân, cơ nên khu vực cổ tay sẽ khó có thể khôi phục lại khả năng vận động hoàn toàn như trước.
Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đã từng tiếp nhận các trường hợp bị chó nhà nuôi tấn công dẫn với tổn thương nặng nề. Các nạn nhân chủ yếu là đối tượng yếu thế như người già, trẻ em.
Từ thực trạng này, BS Mát khuyến cáo, các gia đình có người già, trẻ nhỏ cần hết sự thận trọng khi quyết định nuôi chó. Nếu nuôi, không nên lựa chọn những giống chó dữ, kích thước lớn và phải có phương tiện đảm bảo an toàn như: chuồng nuôi, xích, rọ mõm, có cảnh báo hay biển hiệu để người khác biết khi đến gần…
Bên cạnh đó, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, người dân cần tuân thủ việc tiêm phòng dại và rọ mõm khi đưa chó ra nơi công cộng theo quy định.
Nắm bắt được hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân N.T.L. và N.T.N. là người già neo đơn, sống nhờ vào trợ cấp xã hội, phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã làm đầu mối vận động một số nguồn lực hỗ trợ cho hai cụ bà.
Trước ngày ra viện, đại diện phòng Công tác xã hội đã thay mặt Bệnh viện trao tặng số tiền 12 triệu đồng cho mỗi bệnh nhân, để giúp các cụ giảm bớt gánh nặng, có thêm niềm tin, động lực để trở lại cuộc sống, chăm sóc sức khỏe lúc tuổi già.