Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, TP vừa được Bộ Y tế phân bổ cho 1 triệu liều vắc xin Sinopharm. Từ hôm nay 9/9, Hà Nội sẽ bắt đầu triển khai tiêm số vắc xin này. Như vậy tới nay, Hà Nội đã được cấp tổng số 4,3 triệu liều vắc xin Covid-19 (chưa tính khoảng 1 triệu liều đã phân bổ cho các viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn).

Ngày 8/9, ngành Y tế Hà Nội triển khai tiêm hơn 215.000 mũi vắc xin Covid-19, nâng tổng mũi tiêm đã thực hiện lên hơn 2,8 triệu. Trong đó, có trên 2,5 triệu người đã tiêm mũi 1 và hơn 300.000 người tiêm đủ 2 mũi.

Nếu tính thêm số liệu từ các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn, đến nay Hà Nội có khoảng 3,78 triệu liều vắc xin được tiêm. Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vắc xin đạt khoảng 57%.

 

Khám sàng lọc trước tiêm chủng cho người dân tại một điểm tiêm ở Hà Nội - Ảnh: Phạm Hải

Từ đầu đợt dịch thứ tư (ngày 27/4) đến nay, Hà Nội ghi nhận 3.663 bệnh nhân Covid-19 với 1.578 ca phát hiện ngoài cộng đồng. Thành phố đang dồn mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp để tận dụng tối đa thời gian “vàng” giãn cách xã hội, trong đó tập trung vào 2 “mũi nhọn” là xét nghiệm và tiêm chủng.

Tại Kế hoạch xét nghiệm diện rộng và tiêm vắc xin Covid-19 do UBND TP Hà Nội ban hành chiều 8/9, có 11 tỉnh, thành phố sẽ tham gia hỗ trợ Thủ đô đợt này, gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng.

Nguyên tắc tiêm chủng là tiêm mũi 1 bằng loại vắc xin nào thì tiêm mũi 2 bằng loại vắc xin đó. Với người được tiêm mũi 1 bằng vắc xin của AstraZeneca, có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin của Pfizer nếu đồng ý, khoảng cách từ 8 - 12 tuần sau tiêm mũi 1.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố đang tiếp tục đề nghị Bộ Y tế cấp vắc xin để đạt độ bao phủ tiêm chủng. Công suất tiêm của Hà Nội là 200.000 mũi/ngày, nhưng vẫn phụ thuộc vào lượng vắc xin được phân bổ.

Bà Hà cũng thông tin, thành phố đã rà soát các đối tượng ưu tiên, cân đối các loại vắc xin, tránh tình trạng tiêm mũi 1 xong lại không còn vắc xin để tiêm mũi 2 cho người dân. Đơn cử, với vắc xin Pfizer hay Moderna, khi được Bộ Y tế phân bổ, Sở Y tế sẽ giữ lại số lượng vắc xin tương ứng để tiêm mũi 2.

Để tăng tốc độ tiêm chủng, Hà Nội sẽ tổ chức tiêm vào buổi tối cho người dân, mở thêm điểm tiêm tại nhà văn hóa, trường học. Trước khi tiêm, tất cả trường hợp phải test nhanh Covid-19, đảm bảo vấn đề phòng chống dịch.

Thành phố đặt ra mục tiêu hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vắc xin Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn trước ngày 15/9 theo Nghị quyết số 21/NQ-CP và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở số vắc xin được phân, giao từ Bộ Y tế.