Ngày 25/2, Hà Nội ghi nhận hơn 9.800 ca Covid-19, tiếp tục xu hướng tăng mạnh ca mắc mới trong cộng đồng từ hai tuần qua. Số F0 là giáo viên, học sinh cũng tăng nhanh, khiến các trường quay cuồng với lịch học lúc online, lúc offline. Trong bối cảnh này, nhiều ý kiến băn khoăn, thành phố liệu có nên duy trì mở cửa trường?

Là người đang trực tiếp xoay xở khi trường có gần 200 học sinh F0, 600 F1 (chiếm 43% tổng số học sinh) và nhiều giáo viên nhiễm virus, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy), cho biết việc tổ chức dạy và học đang "rất vất vả". Trường có khoảng 20 lớp, trong tổng số hơn 40 lớp, có tỷ lệ học sinh ở nhà nhiều hơn đến trường. Ban giám hiệu trường quy định lớp nào có trên 50% học sinh F0 và F1 sẽ chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn.

Theo bà Nhiếp, duy trì dạy trực tiếp khi chỉ vài em đến lớp là cách làm máy móc, bởi không khí lớp học sẽ rất rệu rã. Chưa kể, nhiều trường không còn đủ giáo viên đứng lớp. "Chúng tôi đã kêu gọi thầy cô F0 vẫn dạy trực tuyến nếu không quá mệt. Hiện tại, sắp xếp, phân công để đủ người dạy đã khó khăn lắm rồi", bà Nhiếp cho hay.

Hiệu trưởng trường Yên Hoà nhận định, quyết tâm đưa trẻ trở lại trường là đúng, nhưng cần căn cứ vào điều kiện thực tế. Nếu quá nhiều học sinh F0, F1, bà cho rằng nên linh hoạt chuyển sang trực tuyến hoàn toàn. Việc tập trung dạy theo một hình thức cũng giúp giáo viên có thể quan sát, quản lý học sinh và dễ dàng thiết kế bài giảng hơn.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Đông Anh cũng bày tỏ mong muốn quay lại học trực tuyến. Nhà giáo này cho rằng học trực tuyến chắc chắn không hiệu quả bằng trực tiếp, nhưng phải là trực tiếp như khi dịch bệnh chưa xảy ra. Hiện, các trường ở Hà Nội đang tổ chức theo cách rất chắp vá khi liên tục có giáo viên, học sinh F0. "Chúng tôi đã dạy trực tuyến suốt hai năm qua. Hình thức này có thể không hiệu quả như trực tiếp, nhưng chắc chắn vẫn hơn tình trạng vài em đến lớp, còn hầu hết học qua livestream", vị này bày tỏ.

Quan sát tình trạng các trường học ở Hà Nội đang phải chịu "áp lực chưa từng có" trong bối cảnh ca mắc Covid-19 tăng cao, thạc sĩ giáo dục Đinh Thu Hồng, giáo viên tiểu học Học khu Gwinnett (bang Georgia, Mỹ) cũng cảm thấy khó hiểu.

"Tôi không biết tại sao thành phố lại cố duy trì học trực tiếp rồi vẫn phải dạy số lượng lớn học sinh theo hình thức trực tuyến. Cách kết hợp nửa vời như vậy làm sao mang lại hiệu quả", cô Hồng nói. Chuyên gia này cho rằng với tình hình dịch bệnh phức tạp cùng sự thiếu hụt cơ sở vật chất, hệ thống chính sách hỗ trợ như hiện nay, Hà Nội nên cho các trường dạy trực tuyến hoàn toàn để ổn định và hạn chế lây nhiễm.

Cô Hồng nhấn mạnh, mô hình dạy kết hợp online - offline, như cách các trường học ở Hà Nội triển khai hiện nay, chỉ hiệu quả khi cơ sở vật chất, thiết bị máy móc, đường truyền, chính sách hỗ trợ rất tốt. Chưa kể, việc giảng dạy kết hợp cần có lộ trình chứ không phải thực hiện một cách bị động theo tình huống.

Một yếu tố khác, theo cô Hồng, tác động tiêu cực đến hiệu quả học tập là tâm lý, tinh thần của giáo viên và học sinh, phụ huynh. Nhận được nhiều tin nhắn chia sẻ từ các bậc cha mẹ ở Việt Nam, cô nhận ra sự mệt mỏi của họ với tình trạng online - offline kéo dài.

"Tinh thần giáo viên, phụ huynh và học sinh không tốt, cơ sở vật chất cũng không đảm bảo khiến cho khó khăn chồng chất. Vậy duy trì những giờ học trực tiếp trên lớp cũng vô nghĩa", cô Hồng nhận định.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành giáo dục và nghiên cứu về tâm lý, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng các trường nên được trao quyền nhiều hơn.

Thầy khẳng định, học trực tiếp mang lại chất lượng cao, dễ quản lý học sinh "nhưng là trong điều kiện bình thường". Với 9.000-10.000 ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày như ở Hà Nội hiện nay, việc học trực tiếp khó thực hiện và không đem lại hiệu quả như mong đợi.

Trường Đinh Tiên Hoàng có khoảng một phần ba giáo viên và học sinh là F0. Những em không đủ điều kiện học trực tiếp sẽ được dạy trực tuyến vào buổi tối. Thầy Lâm cho hay, nếu số F0 ở giáo viên tăng lên 50%, hình thức này cũng không thể duy trì, buộc phải chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn.

"Dạy trực tiếp mà không hiệu quả thì nên linh hoạt theo điều kiện thực tế. Trao quyền cho các trường để họ quyết định hình thức học phù hợp, dựa trên tình hình dịch bệnh, số lượng giáo viên, học sinh, nguyện vọng phụ huynh", thầy Lâm nói.

Học sinh Tiểu học Ngô Sĩ Kiện, huyện Thanh Trì, đến trường học trực tiếp ngày 10/2. Ảnh: Phạm Chiểu

Chia sẻ kinh nghiệm từ Mỹ, cô Hồng cho biết ở học khu nơi cô giảng dạy, trong giai đoạn đỉnh dịch, các trường dạy trực tuyến 100%. Sau đó, học khu gửi khảo sát cho phụ huynh và thông báo thời gian dự kiến học trực tiếp cho những người có nguyện vọng.

Ban đầu, học khu sẽ đón tối đa 30% học sinh rồi nâng lên dần. Tỷ lệ học sinh được trở lại trường sẽ căn cứ vào số ca mắc Covid-19 thực tế và mức độ sẵn sàng để dạy học kết hợp. Khi quyết định dạy kết hợp hai hình thức, học khu trang bị cho tất cả giáo viên đứng lớp một laptop và màn hình mới, bởi đó là điều kiện cần để việc dạy kết hợp hiệu quả.

"Nếu chưa có lộ trình và sự hỗ trợ về trang thiết bị, thậm chí chưa có đường truyền Internet ổn định, việc học kết hợp chỉ làm giáo viên, học sinh và cả phụ huynh trở nên vất vả, mệt mỏi hơn", cô Hồng nói.