Tại hội nghị Ký sinh trùng toàn quốc diễn ra ở TP HCM mới đây, PGS-TS Đỗ Duy Cường, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đã có báo cáo về một số ca bệnh nhiễm nấm đen Mucormycosis điều trị tại bệnh viện. Trong số này có hai trường hợp nhiễm nấm đen bị hoại tử xương nặng, không qua khỏi từng mắc Covid-19.

Hai bệnh nhân này có một trường hợp 64 tuổi mắc đái tháo đường nhiều năm và một trường hợp 59 tuổi có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường nhưng không điều trị.

Một bệnh nhân nhiễm nấm Mucormycosis được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh:Vietnamnet

Bệnh nhân nhập viện với tình trạng hoại tử vùng hàm mặt nghiêm trọng, trong đó một bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu đau răng hàm trái nên đi khám và uống thuốc ở phòng khám tư. Tuy nhiên, mặt ông bị sưng nề nhanh, mắt phải gần như mất thị lực và được chuyển vào Bệnh viện Bạch Mai.

Với bệnh nhân còn lại, 15 ngày trước nhập viện, người này bị sưng đau vùng hàm mặt bên trái, có nhổ răng và đau nhức. Tình trạng sưng đau mặt kèm sốt, đau đầu, khó thở tăng dần, ý thức lơ mơ, CT-Scan sọ có hình ảnh tụ khí nội sọ, tổn thương thùy thái dương.

Theo PGS Cường kết quả chụp sọ não cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não cấp tính, tắc hoàn toàn động mạch não giữa, kèm theo viêm đa xoang biến chứng áp xe vùng má, lan vào mắt trái và nội sọ, viêm màng não. Bệnh viện Bạch Mai đã hội chẩn toàn viện và tiến hành mổ cấp cứu với nhiều chuyên khoa như Phẫu thuật thần kinh, Tai mũi họng, Răng hàm mặt.

Dù điều trị tích cực nhưng sau mổ, bệnh nhân hôn mê sâu, tổn thương não. Gia đình đã xin về và người bệnh tử vong sau đó. Kết quả chẩn đoán trước mổ của bệnh nhân cho thấy bệnh nhân tổn thương thâm nhiễm xương hàm do nhiễm nấm Mucormycosis.

Ngoài ra, theo PGS Cường, Bệnh viện Bạch Mai còn tiếp nhận nữ bệnh nhân 72 tuổi, nhập viện với tình trạng viêm xoang hàm cấp trên, dù chưa từng mắc Covid-19 nhưng có tiền sử đái tháo đường không kiểm soát tốt. Bệnh nhân được mổ cấp cứu và cũng được xác định nhiễm Mucormycosis. Bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, thuốc kháng nấm trong 3 tuần.

Theo PGS Cường, với 3 ca bệnh nói trên, có thể nhận thấy nấm Mucormycosis chủ yếu gây tổn thương hàm mặt trên người có bệnh lý đái tháo đường, có thể sau khi mắc Covid-19. Tất cả bệnh nhân đều đến khám đầu tiên ở chuyên khoa Tai mũi họng và Răng hàm mặt.
 
Nấm Mucormycosis (còn gọi là Zygomycosis) là một bệnh nhiễm trùng nấm nghiêm trọng, hiếm gặp do nấm mốc Mucormycetes gây ra.

Một số hình ảnh tổn thương của bệnh nấm đen và hình ảnh sợi nấm đen- Ảnh: Internet

Nấm sống ở môi trường như đất, nước, nhất là chất hữu cơ (như rau quả) đang thối rữa, có thể hít vào hoặc xâm nhập qua vết xước trên da. Nấm dễ xâm nhập trên người suy giảm miễn dịch, đặc biệt là người bệnh đái tháo đường, hay người sử dụng nhiều corticoid…

Trên thế giới đặc điểm các ca nhiễm nấm Mucormycosis được thống kê: Sau khi nhiễm Covid-19 chiếm 76%, bệnh tiểu đường không kiểm soát là 80%, nam giới chiếm 78%, tổn thương ở xoang, mũi họng, mắt, não... Tỉ lệ tử vong chiếm 31%. Đáng chú ý, Ấn Độ là nước có tỉ lệ nhiễm Mucormycosis cao gấp hơn 80 lần so với các quốc gia khác, liên quan chặt chẽ đến yếu tố nguy cơ là đái tháo đường và dùng corticoid.

Sau đại dịch Covid-19, nước này từng báo cáo hàng loạt ca nhiễm nấm đen ở bệnh nhân từng nhiễm SARS-CoV-2. Các ca nhiễm nấm thường xảy ra từ 12-18 ngày sau khi khỏi Covid-19. Tỉ lệ tử vong lên hơn 90% nếu xâm lấn vào não.

Nấm đen là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, tổn thương thường được cắt lọc và được điều trị bằng thuốc kháng nấm. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh đái tháo đường trong và sau mắc Covid-19, khi có tổn thương xoang hàm mặt, mắt cần nghĩ đến bệnh nhiễm nấm đen Mucormycosis để đến bệnh viện kiểm tra và điều trị sớm.

Trước đó, Hội đồng chuyên môn họp về nguyên nhân và các yếu tố liên quan đến tình trạng hoại tử xương hàm mặt trên bệnh nhân sau mắc Covid-19 đã nhấn mạnh hoại tử xương sọ - mặt là một bệnh lý ít gặp nhưng không phải là một bệnh lạ.

Hội đồng chuyên môn đưa ra khuyến cáo về các dấu hiệu lâm sàng gợi ý chẩn đoán sớm trên bệnh nhân có tiền sử mắc Covid-19, gồm: Sưng, đau sọ - mặt kéo dài; dò mủ trong miệng, ngoài mặt; nhiều răng lung lay bất thường; loét niêm mạc, lộ xương. Khi xuất hiện các triệu chứng trên, thực hiện hội chẩn các chuyên khoa liên quan, chụp cắt lớp vi tính là phương tiện tốt nhất để chẩn đoán sớm hoại tử xương sọ - mặt. Việc điều trị cần phối hợp các chuyên khoa liên quan; phẫu thuật loại bỏ các tổ chức hoại tử.