Vợ chồng nên cùng thảo luận kỹ các phương án chăm sóc con cái - Ảnh chụp màn hình: Huckberrycare

Mình quan sát những người quen biết. Có người sinh con xong muốn ở nhà chăm con đến khi nào cứng cáp rồi mới đi làm lại. Người để con nhờ ông bà chăm, hoặc gởi con cho người khác giữ. Người chọn công việc bán thời gian để có thời gian lo cho con.

Tất cả những lựa chọn đó đều dựa trên hoàn cảnh thực tế của từng bạn và không phủ nhận đây là một trong những giai đoạn thử thách của các bạn nhất, vì đây cũng là khoảng thời gian các bạn rất dễ rơi vào khủng hoảng tinh thần, đặc biệt là những bạn lần đầu tiên làm mẹ và kinh tế cũng chưa vững vàng.

Với trải nghiệm và quan sát những người đã trải qua giai đoạn này, mình có đôi điều lưu ý để các bạn có suy nghĩ lạc quan hơn mà đưa ra những quyết định vượt qua giai đoạn khó khăn này một cách nhẹ nhàng và phù hợp nhất.

Việc luôn đặt mình vào thế chủ động trong mọi tình huống của cuộc sống giúp mình có sự chuẩn bị tốt hơn về mọi mặt.

Tình huống 1: Nghỉ làm một thời gian, ở nhà chăm con

Ai làm mẹ lần đầu cũng có những lo lắng và bỡ ngỡ cùng với tình yêu thương vô cùng lớn dành cho con mình. Tâm lý các bạn sẽ nghĩ mình là người chăm sóc tốt nhất cho con, nên việc này được ưu tiên hơn bất kỳ việc gì khác vào lúc này.

Với quyết định nghỉ làm ở nhà chăm con toàn thời gian trong giai đoạn này, bạn nên cân nhắc những điều sau:

- Khả năng tài chính: Vợ không đi làm, hai vợ chồng vẫn duy trì cuộc sống ở mức cơ bản và công việc của chồng không có rủi ro, hoặc có một nguồn thu nhập ổn định khác.

- Có kế hoạch khi nào con lớn sẽ bắt đầu lại công việc một cách rõ ràng.

- Chi tiêu tiết kiệm phòng trường hợp phát sinh đau ốm.

- Tranh thủ học thêm kỹ năng liên quan công việc muốn làm sau thời gian chăm con nhỏ.

- Vợ chồng cố gắng chia sẻ công việc với nhau nhiều nhất có thể (chồng phụ vợ chăm con khi có thời gian bên gia đình, vợ ưu tiên việc nghỉ ngơi cho chồng sau một ngày lao động cực nhọc…).

- Con mình, mình nuôi theo cách của mình, mập ốm ăn uống sao mình sẽ quyết, không cần phải căng thẳng với bất kỳ lời nói của ai. Xác định tâm lý trước để tránh ảnh hưởng tinh thần không tốt sau sinh.

Tình huống 2: Chọn giải pháp đi làm và gởi con cho ông bà, hoặc thuê người giữ

Người chọn tình huống này là người bắt buộc phải quay trở lại với công việc vì cần thu nhập để duy trì cuộc sống, hoặc do các bạn không muốn gián đoạn phát triển nghề nghiệp quan trọng.

Việc quay trở lại với công việc là chính đáng và được ủng hộ. Tuy nhiên các bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

- Khi chọn giao con mình cho ông bà chăm con, các bạn cần có sự cảm thông và biết ơn với cha mẹ.

 

Cảm thông ở đây là gì? Bớt khó và giảm yêu cầu so với mong muốn của mình. Ông bà có cách nuôi dưỡng không hoàn toàn như mình vì khác biệt thế hệ, nên phải khéo léo dung hòa và để các cụ không thấy tủi thân.

- Trường hợp nếu ông bà không còn sức khỏe để giữ con, bạn nên cân nhắc mướn người, vì cha mẹ đã già rồi, đã khổ cả đời vì ta, không có lý do gì cha mẹ phải có trách nhiệm giữ con của ta. Ta sinh thì ta có trách nhiệm dưỡng.

- Khi thuê người giữ con, các bạn cũng đừng quá khắt khe với họ. Điều này không phải là bạn bớt yêu con, mà đơn giản các bạn sẽ mãi mãi chẳng thể tìm ra được ai chăm con như mình mong muốn 100% cả.

- Ngoài thái độ tôn trọng, cần khéo léo trao đổi với tinh thần hòa nhã trong từng trường hợp bất đồng quan điểm. Những trường hợp ngoại lệ mình không nói, nhưng tất cả bọn trẻ rồi cũng lớn lên khỏe mạnh nếu nó nhận được sự yêu thương.

Nếu các bạn yêu thương và bao dung với những người chăm sóc con cho mình, chắc chắn họ sẽ yêu thương con bạn.

- Trong những năm đầu khi con còn nhỏ, tạm thời quên đi những vui chơi bạn bè và hạn chế tiệc tùng không cần thiết để về chăm con.

Hãy cứ tưởng tượng, người giữ con cho mình suốt cả ngày cần được nghỉ ngơi vào cuối ngày, và làm những điều họ muốn làm. Nên mình phải cho họ thời gian nghỉ ngơi.

Vậy tại sao mình không được nghỉ ngơi? Vì đó là con mình, mình phải là người hy sinh nhất. Tranh thủ vợ chồng cùng nhau chăm con sau giờ làm việc sẽ gắn kết hạnh phúc.

  • Nghỉ việc chăm con để tránh cảnh con dâu cãi mẹ chồng

  • Trẻ nuôi con, già chăm cháu, ông bà mong cháu lớn để... về quê dưỡng già

  • Sinh con được thì nuôi được, sao trách mẹ chồng?!

- Chuyện trong lúc các bạn đi làm chẳng may tối về thấy con đau bệnh hay té ngã là chuyện bình thường. Mình tự chăm con cũng có khi không tránh được, nên cũng thận trọng tìm hiểu lý do, kiềm chế lời trách móc nặng nề đến người chăm con, nếu họ không cố ý để điều đó xảy ra.

Bất kỳ cách chăm chưa đúng thì góp ý khéo léo, và chủ động đưa ra các giải pháp an toàn cho con mình.

Ngày xưa khó khăn hơn nhiều, cha mẹ vẫn nuôi mình nên người, chẳng có lý do gì mình không làm được cả.

Mong các bạn đang trong hoàn cảnh này trở nên mạnh mẽ và kiên cường vượt qua giai đoạn thử thách này để thấy hạnh phúc hơn.