Bản Tủng Hốc nằm sâu trong đảo, cách trung tâm xã Hữu Khuông khoảng 4km đường rừng, lội suối. Dân trong bản là 81 hộ dân đồng bào người Khơ Mú với 369 nhân khẩu. Để vào được bản phải vượt qua 3 con suối nước lớn và hai dốc cao với đường đá trơn trượt, xói mòn của nước lũ.

Đường vào Tủng Hốc phải qua 3 con suối nước lớn và đường đồi cao. Ảnh: Xuân Thủy

Nhà trường đang trong giai đoạn xây dựng cơ sở vật chất nên không có phòng học cho học sinh. Biết được khó khăn của nhà trường, bốn hộ dân trong bản đã tự nguyện cho nhà trường mượn gầm nhà sàn làm lớp học. Khối tiểu học Tủng Hốc có 51 em học sinh người Khơ Mú theo học trong tổng 318 em học sinh toàn Trường tiểu học Hữu Khuông.

Trường Tiểu học Hữu Khuông khối Tủng Hốc đang trong giai đoạn xây dựng nên thầy trò phải học gầm nhà sàn người dân. Ảnh: Xuân Thủy

Các em học sinh ở đây đều phải dậy từ rất sớm để đi học. Ngay từ nhỏ đã phải làm quen với việc lội suối, đi bộ hàng cây số đến trường. Ngày nắng các em tự mình đến trường, những ngày mưa to thường các em nghỉ học. Chỉ cần vắng học sinh, giáo viên sẽ tìm mọi cách liên lạc đến nhà phụ huynh xem xét tình hình. Những năm học trước, khi các em học hai buổi có những em đã phải cơm đùm cơm nắm đi ăn dọc đường.

Học sinh ở đây đã quen với đi bộ hàng cây số và vượt qua những con suối. Có những ngày các em phải đùm cơm ăn dọc đường. Ảnh: Xuân Thủy

Ở khối Tủng Hốc có 5 khối lớp từ 1 đến 5 với 4 thầy cô giáo. Mặc dù có 5 khối lớp nhưng chỉ có 4 “phòng học”. Để chuẩn bị cho những ngày học ôn trước đầu năm học mới, các thầy cô giáo ở đây đã phải dùng bạt tạo dựng ngăn cách dưới gầm sàn. Phía trên đầu đóng chặt bạt vào gầm sàn tránh bụi bặm rơi xuống khi người dân đi lại trên sàn nhà, bạt căng vòng quanh để ngăn mưa gió, bụi bặm, giúp các em học sinh chăm chú học hơn tránh ảnh hưởng bên ngoài.

Một "phòng học" gầm nhà sàn người dân. Ảnh: Xuân Thủy

Dưới gầm nhà sàn, thầy Lương Văn Thành đang chăm chú giảng bài. Trước mắt chúng tôi là một phòng học kì lạ với hai chiếc bảng nằm ở hai góc, bàn ghế được xếp theo hai chiều để chia học sinh nhìn hai hướng khác nhau. Xuyên qua kẽ hở những tấm ván, ánh nắng chói chang chiếu thẳng vào phòng học. Thầy vừa chăm chú giảng bài vừa hướng dẫn các em ngồi tránh các tia nắng chiếu vào mắt.

“Đây là lớp ghép giữa lớp 2B có 8 em và lớp 3B có 11 em, trước ngày khai giảng giáo viên đang cho lớp học ôn tập các kiến thức cũ cho học sinh sau 3 tháng nghỉ hè. Giảng xong lớp 2 giao bài tập rồi thầy qua giảng lớp 3. Học sinh ở đây chăm học và ngoan ngoãn, rất biết lắng nghe thầy cô giảng bài.” – Thầy Thành cho biết thêm.

Lớp học ghép 2B và 3B của Thầy Thành dưới gầm nhà sàn người dân. Ảnh: Xuân Thủy

Bên cạnh lớp thầy Thành là lớp 5B của cô Ngân Thị Nương với 13 em học sinh đang chăm chú nghe giảng. Dưới gầm sàn nhà là nơi chủ nhà để kho củi của mình. Thỉnh thoảng lại có người xuống lấy củi lên nhà nấu ăn. Trên sàn nhà, người chủ nhà đang ngồi trò chuyện với khách nhưng cả cô và trò ngồi học bên dưới cũng đều nghe rõ mồn một. Bất chợt những tiếng cười lớn từ trên nhà phá tan sự chăm chú nghe giảng của học sinh. Cô trò lại phải tạm dừng ít phút để học tiếp.

“Em dạy học ở đây đã được 3 năm. Vì nhà trường đang xây dựng cơ sở nên giáo viên và học sinh khối Tủng Hốc phải đi học dưới gầm nhà sàn. Mọi sinh hoạt của cả gia đình người dân đều ở trên sàn nhà nên không tránh khỏi tiếng ồn khiến học sinh khó tập trung nghe giảng. Chuyện dừng giảng vài phút trong tiết học thường xuyên diễn ra, khi thì chủ và khách nói chuyện lớn, lúc thì người nhà vào lấy củi”- Cô Nương chia sẻ.

Lớp học của cô Nương nằm sát kho củi người dân nên việc lớp học ngắt quãng vì người dân lấy củi thường xuyên. Thêm vào đó chủ nhà nói chuyện với khách ở dưới cô trò đều nghe rõ. Ảnh: Xuân Thủy

Rời khỏi lớp học của cô Nương di chuyển xuống phía xa gần con suối là lớp học 4B có 7 học sinh của thầy Tống Khánh Linh. Vừa bước vào lớp, các em đã ngoan ngoãn đứng dậy khoanh tay chào rồi ngồi xuống chăm chú viết bài. Một cơn gió thổi qua khiến cả thầy trò dụi mắt, bụi bay mù mịt bám vào quần áo sách vở các em. Nhìn ra bên ngoài những con lợn thả rông đang đuổi cắn nhau eng éc, tiếng chó sủa đuổi cắn lợn náo loạn một vùng. Cả lớp học im bặt, các em học sinh đang bị thu hút ánh mắt bởi sự việc đó. Chỉ khi nào những chú lợn chạy vào rừng sâu mất hút không còn tiếng chó sủa nữa thì bài giảng lại tiếp tục.

“Các em rất hiếu động nên mọi sự việc đều dễ bị thu hút. Dân bản ở đây thường xuyên thả gia súc chứ không nuôi nhốt. Nên việc gia súc đến gần nhà sàn kiếm ăn là chuyện bình thường. Những lúc như thế bài giảng dễ bị đứt quãng khiến các em không thể chăm chú học bài khiến giáo viên phải giảng đi giảng lại rất nhiều lần.”- Thầy Linh cho biết thêm.

 

 

Lớp 4B có 7 học sinh của thầy Tống Khánh Linh. Ảnh: Xuân Thủy

Lớp học của thầy Linh thường xuyên phải tạm dừng vì những ảnh hưởng bên ngoài do người dân. Ảnh: Xuân Thủy

Chúng tôi bước xuống ngôi nhà sàn nhỏ phía dưới chân đồi là lớp 1B của cô giáo Lương Thị Ngọc Mơ. Lớp cô Mơ có 12 em học sinh đang chăm chú nghe giảng, thỉnh thoảng có em giũ sách vở vì bụi trên trần nhà rơi xuống. Giữa lớp có những tảng đá to nằm chắn ngang lối đi khiến nhiều lần cô suýt vấp ngã. Ở góc nhà là nơi chứa đựng cuốc, vét, đồ đi rừng của chủ nhà. Các em vẫn say sưa học tập, tiếp ê a đều đều theo nhịp đọc của thầy cô, những bàn tay nhỏ nhắn giơ lên để được giải bài học, thỉnh thoảng các em lấy tay dụi mắt vì bụi. 

Cô Mơ chia sẻ:”Dạy học dưới gầm nhà sàn có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến bài giảng và việc học của các em khiến chất lượng không được tốt. Chỉ mong sao trường được hoàn thiện nhanh chóng để cô và trò yên tâm học tập đạt kết quả cao."

Lớp học của cô Mơ có những tảng đá to chắn lối giữa lớp. Ảnh: Xuân Thủy

Phía sau bảng là những đống vật liệu xây dựng, góc lớp là đồ dùng lao động sản xuất của người dân. Ảnh: Xuân Thủy

Các em người Khơ Mú bản Tủng Hốc rất chăm chỉ học tập. Ảnh: Xuân Thủy

Để truyền tải kiến thức cho các em, không chỉ giảng bài thầy cô còn nắn nót từng con chữ cho các em. Ân cần chỉ dạy như những người cha người mẹ. Thế nhưng tình trạng phải dạy học dưới gầm nhà sàn như thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học tập. Thêm vào đó, lớp học luôn trong tình trạng bụi bặm, mưa ướt, tiết học luôn bị gián đoạn bởi những hoạt động bên ngoài, thậm chí cả buổi dạy thầy cô không có cả bàn giáo viên để ngồi. Khu kí túc xá của giáo viên chỉ là căn nhà cấp bốn hai gian dựng tạm lụp xụp. Chỉ cần có cơn mưa nhỏ, cả căn nhà kí túc dột ướt hoàn hoàn.

Giờ tan học của các em học sinh. Ảnh: Xuân Thủy

Ngày khai giảng đang đến gần, các em vẫn sẽ phải học trong những gầm nhà sàn. Ảnh: Xuân Thủy

Ở Tủng Hốc chưa có điện lưới, người dân phải sử dụng mô tơ phát điện gắn dưới suối để thắp sáng cho từng ngôi nhà. Mưa to nước khe suối dâng cao dễ dàng bị cô lập. Chưa kể, nếu cột sóng ở ngoài trung tâm xã Hữu Khuông mất điện thì thầy cô trong này hoàn toàn “thuê bao không liên lạc được”. 

Ở Tủng Hốc vẫn chưa có điện lưới, đường đi lại khó khăn khiến sự nghiệp gieo chữ ở đây vất vả hơn, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Ảnh: Xuân Thủy

Để đến được điểm trường Tủng Hốc gieo chữ các giáo viên vô cùng vất vả. Qua những câu chuyện kể kỉ niệm đến trường của thầy cô về những lần ướt hết quần áo, sách vở vì ngã suối, những lần trật khớp chân, tay vì trượt núi mới hiểu hết nỗi khổ của giáo viên nơi đây. Chỉ mong sao có những chiếc cầu bắc qua suối để mùa lũ không bị cô lập, đường xá được nâng cấp hơn để sự nghiệp gieo chữ nơi “ốc đảo” được thuận lợi hơn.

Clip thầy và trò trường tiểu học Hữu Khuông khối Tủng Hốc phải dạy và học dưới gầm nhà sàn người dân.