Nghiến răng mọi lúc
Nghiến răng có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, nhưng sẽ rất khó để kiểm soát vào ban đêm vì người ta dường như nghiến răng trong vô thức khi ngủ.

Thói nghiến răng đêm khuya có thể đến từ vô vàn nguyên nhân như: căng thẳng và lo lắng, do uống một số loại thuốc, dùng caffeine và rượu, hay thậm chí chỉ đơn giản là do cấu trúc khuôn miệng của bạn. Dù không thể xác định được đâu là nguyên nhân chính yếu từ danh sách liệt kê bên trên, nhưng bạn cũng cần tìm hiểu sơ lược nếu bạn có thói quen nghiến nhiều tới nỗi muốn mòn hết cả răng.

Hệ quả là tình trạng mòn men răng, hay bị đau hàm, đau đầu, mẻ răng và hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm (khớp giữa hàm trên và hàm dưới bị viêm hoặc không còn hoạt động đúng).

Bị chuột rút cơ bắp đau tới mức tỉnh ngủ


Mới phút trước mơ màng yên bình đó mà phút tiếp theo bạn đã đau đớn, nắm chặt bắp chân đang co thắt. Đây là một dấu hiệu khi ngủ nghe có vẻ nghiêm trọng.

Bị chuột rút khi đang ngủ thì đau điếng người, nhưng thực ra khá vô hại. Nếu năm thì mười họa chân bạn mới bị chuột rút một lần thì có lẽ không phải vấn đề gì nghiêm trọng. Nhưng nếu dấu hiệu khi ngủ này diễn ra thường xuyên và bạn bị đau tới mức bừng tỉnh giữa đêm thì có vẻ như bạn đang bị mất nước, thiếu máu, thiếu chất điện giải (như canxi hay magiê), hoặc bị viêm khớp hay một tình trạng về chỉnh hình như bàn chân bẹt. Đây đều là các vấn đề có thể được giải quyết nếu bạn tìm đến bác sĩ.

Đầu bạn đau như búa bổ ngay khi thức dậy
Cơn đau đầu kiểu này được liên tưởng với chiếc đồng hồ báo thức là vì nó nhức như búa bổ, lại đi kèm với tình trạng co giật cơ, đủ để người đang say giấc bừng tỉnh. Dấu hiệu này dù hiếm khi xảy ra nhưng nếu ban đêm hoặc buổi sớm nào bạn cũng tỉnh giấc trong cơn đau quằn quại thì hãy đi gặp bác sĩ.

Có một vài lý do phổ biến hơn khiến bạn chào ngày mới với cái đầu đau nhức, như chứng đau nửa đầu (thường là đến hẹn lại lên vào khoảng 4-9 giờ sáng), thói nghiến răng và chứng ngưng thở khi ngủ.

Choàng tỉnh vào ban đêm bởi ho nhiều
Ho quá nhiều vào ban đêm có thể là dấu hiệu của cả bệnh hen suyễn và bệnh tim. Vì vậy, nếu bạn không bị bệnh nhưng vẫn ho khục khặc cả đêm thì hãy tới gặp bác sĩ. Cơn hen suyễn có xu hướng trở nên tồi tệ hơn vào đêm khuya và những người mắc bệnh tim có thể bị ho vì nằm lâu suốt một khoảng thời gian dài, khiến chất lỏng chảy ngược vào phổi.

Dấu hiệu ho khi ngủ này đôi khi có từ những nguyên nhân ít nghiêm trọng hơn, như trào ngược axit hoặc ợ nóng. Cả hai đều có thể gây ho vào ban đêm, bởi tư thế ngủ nằm ngang có thể khiến nước ép có tính axit trong dạ dày tràn lên thực quản và gây kích ứng.

Ngáy liên tục
Khi tiếng ngáy của bạn nghe có vẻ như tiếng khịt mũi, tiếng thở hổn hển và đồng thời bạn thấy buồn ngủ héo hắt vào ban ngày, bạn có khả năng bị chứng ngưng thở khi ngủ.

Về cơ bản, ngưng thở khi ngủ xảy ra vì một trong hai lý do. Một là đường hô hấp trên bị tắc trong lúc ngủ khiến luồng khí lưu thông bị giảm hoặc tắc nghẽn hoàn toàn. Hai là do não bộ không gửi các tín hiệu cần thiết để duy trì việc thở trong lúc ngủ. Dù là lý do nào đi nữa thì người mắc chứng này sẽ bị ngưng thở nhiều đợt trong suốt cả đêm.

Nếu dấu hiệu khi ngủ nêu trên thực sự nghiêm trọng đến mức gián đoạn giấc lành của bạn và bạn cũng nhận thấy mình có các biểu hiện khác của chứng ngưng thở khi ngủ (như khi ngủ dậy bị nhức đầu hoặc bị khô miệng) thì nên đi gặp bác sĩ. Chứng này nếu không được kiểm soát sẽ dẫn tới cao huyết áp và gây căng thẳng cho tim.