Gia tăng trẻ mắc hội chứng LẠ do nghiện xem điện thoại: Cha mẹ cẩn trọng nếu không muốn trẻ bị ám ảnh thần kinh đến khi trưởng thành
Hội chứng TIC - Căn bệnh LẠ nhưng QUEN
Theo thông tin từ VTV, rối loạn TIC được định nghĩa như những thói quen nhanh chóng và lặp lại của khối cơ. Đây là dạng rối loạn vận động hay rối loạn phát âm được diễn ra ngoài tầm kiểm soát của người bệnh, tức không chủ đích, xảy ra bất ngờ, nhanh chóng nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần, không thể kìm nén được nhưng cũng có thể làm mất đi tạm thời trong thời gian vài phút đến vài giờ. Trẻ khi mắc hội chứng này, theo mức nặng hay nhẹ có thể có những hành động hoặc lời nói lặp đi lặp lại nhiều lần khác nhau.
Nếu như ở dạng nhẹ thì trẻ có thể có những động tác, như: lắc đầu, nhấp nháy mắt, chun chun mũi, giật cơ ở cổ, nhún vai và nhăn mặt. Nếu ở dạng phát âm thì trẻ có thể phát ra âm thanh lặp lại, thường xuyên, như ho, hắng giọng, khịt mũi, tặc lưỡi… Nếu mắc bệnh ở thể phức tạp hơn, trẻ sẽ xuất hiện những rối loạn về hành động như tự vỗ vào người, tự cắn, nhảy nhót, giậm chân, xoay tròn… Hoặc phát ra những âm thanh phức tạp bao gồm các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh, thường cảm thấy căng thẳng và thôi thúc thực hiện cử động, âm thanh đó để giải tỏa căng thẳng, như la hét, lẩm bẩm…
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Duyên, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, rối loạn TIC đã được lịch sử y khoa công nhận khi công nghệ chưa phát triển. Rối loạn TIC không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nên ít người quan tâm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhờ mạng xã hội lan truyền những clip trẻ mắc rối loạn TIC với nhiều biểu hiện lạ, nhiều phụ huynh nhận thấy con mình cũng có triệu chứng tương tự nên mới vội vàng đưa đi khám và phát hiện mắc rối loạn TIC. Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, cũng đã có vài trường mắc rối loạn này đến khám và điều trị, đa phần là ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
"Rất khó để xác định trẻ mắc rối loạn TIC do nguyên nhân nào nhưng những trường hợp đến bệnh viện để khám thường có hai yếu tố là do gen di truyền, bất thường trong não hoặc môi trường sống. Yếu tố môi trường là do căng thẳng, bạo lực gia đình hoặc do ảnh hưởng từ việc xem ti vi, điện thoại, ipad hoặc chơi game…. Việc lạm dụng các thiết bị này nhiều khiến trẻ bị kích thích, căng thẳng khiến các triệu chứng TIC xuất hiện, gia tăng, kéo dài. Bởi khi trẻ chơi game hoặc sử dụng điện thoại, mắt và thần kinh luôn trong trạng thái tập trung cao độ đẫn đến căng thẳng, không chỉ làm ảnh hưởng sức khỏe của mắt mà là nguyên nhân khởi phát các triệu chứng của rối loạn TIC", bác sĩ Duyên cho hay.
Rối loạn TIC thường xảy ra với trẻ dưới 18 tuổi. Nó thường trầm trọng với trẻ ở độ tuổi 11-12, sau đó giảm dần khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì. Nhưng ở nhiều trường hợp nó sẽ theo trẻ đến khi trưởng thành.
Ngoài ra, bệnh nhân này cũng thường có những hành động lạ như hay lẩm bẩm một mình, có lúc ngồi im lặng rất lâu không nói năng gì. Khi đưa vào bệnh viện để khám, bệnh nhân không phối hợp với bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân mắc bệnh mà khẳng định bản thân hoàn toàn bình thường và chỉ đòi được về nhà.
Khi bị rối loạn TIC, trẻ vẫn có thể học tập bình thường nhưng nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, tình trạng diễn ra lâu ngày có thể dẫn tới nhiều hệ luỵ, như tự kỷ, trầm cảm, lo ngại, rối loạn tăng động giảm chú ý, khó ngủ, mất kiểm soát ngôn ngữ… nặng hơn có thể rối loạn tâm thần. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên có những biện pháp phòng ngừa bệnh và khắc phục sớm nếu con có những biểu hiện của hội chứng này.
Phụ huynh cần làm gì để trẻ không gặp phải hội chứng TIC?
Dẫn tin từ Người Lao Động, chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi, Đơn vị Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho biết trẻ bị rối loạn Tic mức độ nhẹ đến trung bình thường không ảnh hưởng đến đời sống thường ngày. Tuy nhiên, rối loạn Tic cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt và hình ảnh bản thân trẻ dễ dẫn đến bị cô lập, mâu thuẫn trong các mối quan hệ hoặc thậm chí bị bắt nạt. Do đó, gia đình cần thấu hiểu và đồng hành với trẻ.
Đầu tiên cần theo dõi về mức độ và tần suất xuất hiện Tic. Sau khi đã quan sát và nắm rõ các dấu hiệu cảnh báo hoặc kích hoạt triệu chứng, cha mẹ cần giải thích về rối loạn Tic một cách phù hợp với lứa tuổi cũng như mức độ nhận thức của trẻ, hướng dẫn trẻ tìm một chuyển động thích hợp thay thế vận động Tic (ví dụ: hít thở theo nhịp, đếm từ 1 đến 10...), luyện tập ứng phó với những yếu tố kích hoạt và thực hành thư giãn.
Theo chuyên gia tâm lý Cẩm Nghi, các bước trên là một trong những ứng dụng của liệu pháp hành vi đảo ngược thói quen. Bên cạnh đó, cha mẹ cần lưu ý các triệu chứng Tic thường gia tăng khi con gặp lo âu, phấn khích hay mệt mỏi. Vì thế, việc tổ chức những hoạt động nhẹ nhàng, thu hút sự tập trung, chú ý của trẻ góp phần giảm nhẹ tác động của Tic. Ngoài ra, việc động viên, khen thưởng khi trẻ có cố gắng kiểm soát Tic cũng góp phần gia tăng hành vi tích cực của trẻ.
"Trong sinh hoạt thường ngày, gia đình cần lưu ý tránh không phê phán trẻ, đồng thời trấn an khi triệu chứng Tic ảnh hưởng đến cảm xúc cũng như sự tự tin của trẻ. Việc dành thời gian tương tác, giao tiếp với trẻ và hạn chế sự can thiệp bằng điện thoại cũng góp phần giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của rối loạn Tic nói riêng và đến sự phát triển của trẻ nói chung" - chuyên gia tâm lý Cẩm Nghi phân tích.
Các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện những dấu hiệu trẻ mắc hội chứng Tic, cha mẹ cần đưa con đến khám ở các chuyên khoa và thực hiện xét nghiệm cũng như tư vấn hướng điều trị can thiệp phù hợp với từng trường hợp.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...