Ngày càng nhiều nam giới mắc các bệnh liên quan đến đường tình dục. Ảnh: Shutterstock.

Thông tin trên được bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Văn Lợi Em, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh Viện Da Liễu TP.HCM, chia sẻ tại hội Hội nghị khoa học Nhiễm khuẩn lây qua tình dục do Bệnh viện tổ chức.

Bác sĩ Lợi Em nhấn mạnh hiện nay, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đều có xu hướng tăng, trong đó, nhóm MSM chiếm tỷ lệ mắc bệnh cao.

MSM (men who have sex with men) là thuật ngữ trong dịch tễ học dùng để chỉ nam giới đã hoặc đang có ít nhất một bạn tình đồng giới. Trên thế giới, tỷ lệ MSM chiếm khoảng 1-5% dân số.

Theo Cục phòng chống HIV/AIDS, tính đến tháng 9/2023, Việt Nam có 231.481 người sống chung với HIV. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 10.000 ca nhiễm mới. Trong số đó, nam giới chiếm 84,5%, nhóm MSM chiếm 12,5%.

Bác sĩ Lợi Em nhận định trong những năm trở lại đây, tỷ lệ người bệnh HIV quan hệ khác giới và người bệnh HIV quan hệ đồng giới đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM gần như đảo chiều.

Năm 2021, bệnh viện tiếp nhận 83 trường hợp nhiễm HIV ở người quan hệ đồng giới và 228 ca nhiễm ở người quan hệ khác giới. Tuy nhiên, đến năm 2023, số trường hợp nhiễm HIV ở người quan hệ khác giới là 83 và ở người đồng giới là 212.

Một phần nguyên nhân là hiện nay xã hội ngày càng cởi mở nên nhiều người có thể tự do thể hiện bản thân, việc quan hệ tình dục cũng trở nên phóng khoáng hơn.

Đồng quan điểm, ThS.BS Phùng Ngô Thúy Quỳnh, Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, cũng cho rằng các bệnh lây truyền qua đường tình dục trên nhóm đồng giới nam có xu hướng ngày càng gia tăng. Hầu hết triệu chứng đều diễn ra một cách kín đáo, ít biểu hiện trên lâm sàng.

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) được thực hiện trên 6.500 người từng quan hệ đồng giới nam cho biết có khoảng 23% trong số đó mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Cụ thể, Chlamydia là 11%, tỷ lệ mắc bệnh lậu là 14% và giang mai chiếm 8%.

Không riêng bệnh tình dục, một số bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền qua đường tình dục khác như Mpox (bệnh đậu mùa khỉ) cũng ở mức đáng báo động. Đợt bùng phát của bệnh năm 2022 đã ảnh hưởng đến 110 quốc gia, khiến tỷ lệ người mắc bệnh và tử vong tăng cao.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng 32% trong số các ca nhiễm là MSM; 30,73% người bệnh có tình trạng nhiễm HIV.

ThS.BS Phùng Ngô Thúy Quỳnh, Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, tại buổi báo cáo. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ Thúy Quỳnh, việc quan hệ tình dục qua đường hậu môn không có khả năng tiết dịch bôi trơn như âm đạo. Việc này có thể khiến lớp niêm mạc tại bộ phận này trầy xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xâm nhập.

Bên cạnh đó, các hình thức quan hệ khác như dùng tay, đồ chơi tình dục cũng dễ gây tổn thương và lây nhiễm bệnh.

Một trong những lầm tưởng khác của nhóm quan hệ tình dục đồng giới là cho rằng việc sử dụng PrEP có thể dự phòng tất cả các bệnh liên quan đến đường tình dục. Điều này tạo ra tâm thế chủ quan, giảm sử dụng bao cao, tăng hành vi quan hệ tình dục qua hậu môn, miệng. Thực tế, PrEP là thuốc kháng virus (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở người sử dụng PrEP tăng 1,24 lần so với người không sử dụng. Đặc biệt, ở nhóm MSM có sử dụng PrEP, nguy cơ nhiễm lậu tăng gấp 25,3 lần, giang mai cao gấp 44,6 lần.

Để hạn chế mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường tình dục, CDC Mỹ khuyến cáo người dân nên khám sàng lọc các bệnh liên quan đến tình dục mỗi năm một lần và tần suất nên ngắn hơn (3-6 tháng/lần) đối với người mắc bệnh.

Bên cạnh đó, việc dự phòng phơi nhiễm HIV bằng PrEP nên được tìm hiểu một cách kỹ càng để sử dụng đúng cách. Người trẻ không nên quan hệ tình dục bừa bãi, cần sử dụng bao cao su trong suốt quá trình để hạn chế tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus sinh sôi.

Tin liên quan