Dương vật ngắn ở trẻ sơ sinh là vấn đề rất phức tạp. Nhưng chỉ cần bố mẹ để ý kĩ là có thể nhận ra con mình có bị ngắn dương vật hay không. Thông thường ở trẻ nhỏ, độ dài từ xương mu đến đầu dương vật nếu dưới 2 cm thì gọi là ngắn. Nguyên nhân dương vật bị ngắn thường do nội tiết tố như: Não không tiết ra hormone để kích thích tinh hoàn tiết ra testosterone; tinh hoàn bị suy không tiết ra testosterone hoặc là dương vật không chịu sự tác động của testosterone (đây là hội chứng kháng Androgen).

Do đó, bác sĩ sẽ kiểm tra nồng độ hormone, các nhiễm sắc thể để xem có hội chứng nào về gene không. Sau đó, cho trẻ thử nghiệm dùng testosterone trong 3 tháng. Nếu dương vật phát triển thì đến khi trưởng thành trẻ có khả năng vẫn đạt được kích thước và chức năng dương vật bình thường. Còn dương vật không đáp ứng với kích thích testosterone thì sẽ gặp khó khăn về vấn đề giới.

Cha mẹ quan sát kỹ sẽ phát hiện được dương vật của con bị ngắn

Cũng có trường hợp, thực chất trẻ sơ sinh không bị ngắn mà là bị lún (dương vật thụt hẳn vào bên trong cơ thể) hay còn gọi là vùi dương vật. Nguyên nhân của tình trạng này là do da bìu tràn lên dương vật hoặc bao quy đầu có vòng xơ dài gây bít hẹp, nhốt dương vật của bé vào trong. Tình trạng này có thể là do bẩm sinh hoặc cắt da quy đầu không đúng. Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, khi bị vùi dương vật thường kèm theo hẹp da quy đầu. Chứng này các bé trai sơ sinh gặp rất nhiều.

Lún dương vật ở trẻ sơ sinh là gì?

Lún dương vật ở trẻ sơ sinh có biểu hiện khá rõ ràng. Biểu hiện của tình trạng này là lỗ tiểu đổ ra đúng ở đỉnh quy đầu, trục dương vật thẳng, nhưng dương vật bị lún tụt xuống dưới hoặc ngang mức của xương mu. Ống da dương vật thường nhỏ và ngắn, bao quy đầu hay bị chít hẹp, bìu bình thường.

Khi bị lún, lúc đi tiểu, trẻ thường phải dùng ngón tay ấn quanh gốc dương vật để nó thò ra. Thông thường, khi đưa trẻ đi khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán trẻ bị chít hẹp bao quy đầu nên được chữa bằng nong bao quy đầu. Nhưng thường không có hiệu quả cho dù có nong tới vài lần. Có trường hợp, bác sĩ chỉ định mổ cắt bao quy đầu, khiến tình trạng bệnh nặng thêm vì bao quy đầu là chất liệu cần thiết để che phủ thân dương vật sau ca mổ làm dài dương vật. Cách chữa đúng của tình trạng này là phải tùy theo nguyên nhân mới có phương pháp điều trị phù hợp. Vì thế, mẹ nên đưa bé đến các bệnh viện uy tín, để bác sĩ có tay nghề cao chẩn đoán và chữa trị hiệu quả.

Một số trường hợp không phải trẻ bị ngắn mà là vùi dương vật

Cũng không ít trường hợp, bé trai bị nhầm là vùi dương vật trong khi nguyên nhân thực sự là trẻ béo phì, lớp mỡ xương mu che phủ mất dương vật. Với tình trạng này, cách xác định là sờ bóp nhẹ, khi bị vùi thì không chạm được thân dương vật hoặc chạm được rất ít, chỉ sờ được da quy đầu, da bìu có xu hướng chạy hướng lên trên dương vật.

Nên cho trẻ đi khám bộ phận sinh dục 6 tháng 1 lần

Dương vật của trẻ sơ sinh bị ngắn hay là vùi thì cũng rất nguy hiểm. Vì thế khi đo độ dài từ xương mu đến đầu dương vật nếu dưới 2 cm thì các bậc phụ huynh hãy đưa con đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Việc chữa trị phải được tiến hành sớm để tránh mặc cảm cho trẻ.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, việc khám bộ phận sinh dục cho trẻ cần được tiến hành 6 tháng một lần. Vì ngoài bị ngắn hay lún thì dương vật của trẻ cũng có nguy cơ rất cao bị hẹp bao quy đầu, dẫn đến nhiễm khuẩn dưới bao quy đầu. Trường hợp trẻ bị hẹp bao quy đầu nặng có thể gây ra đau đớn khi đi tiểu, bí tiểu, nhiễm khuẩn đường niệu và nhiễm khuẩn vùng da dương vật. Tình trạng này kéo dài trẻ sẽ có nguy cơ ung thư dương vật.

Cần cho trẻ đi khám bộ phận sinh dục 6 tháng 1 lần

Trong một số trường hợp viêm nhiễm nặng, có thể sẽ tiến hành cắt bao quy đầu, nhưng các bác sĩ vẫn ưu tiên hàng đầu là tiến hành bóc tách và nong để tránh các chấn thương tâm lý, biến chứng nhiễm trùng cho trẻ. Đặc biệt là tránh để lại sẹo để đến tuổi trưởng thành trẻ sẽ không bị mặc cảm với bạn đời.