Cháo bí đao đậu đỏ: Bí đao 500g, đậu đỏ 30g; bí đao, đậu đỏ làm sạch, cho vào nồi với lượng nước vừa đủ, nấu thành cháo; không cho muối hoặc chỉ cho một ít muối, ăn mỗi ngày 2 lần. Món cháo này có công dụng lợi tiểu tiện, tiêu phù nề, giải nhiệt độc, chỉ tiêu khát, thích hợp với chứng viêm thận cấp tính, phù nề tiểu ít. Tuy nhiên, người viêm thận mãn tính, tỳ thận hư hàn cần kiêng ăn.

Bí đao rất tốt với bệnh nhân viêm thận. (Ảnh: Internet)

Cháo lá xa tiền: Lá xa tiền tươi 30-60g, hành 1 cây, gạo lứt 50-100g; rửa sạch lá xa tiền, thái nhỏ, cho vào nồi với hành, nấu lấy nước bỏ bã, sau đó cho thêm gạo lứt vào nước thuốc nấu thành cháo; mỗi ngày ăn 2-3 lần, 5-7 ngày là 1 liệu trình. Món cháo này có công dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, sáng mắt, khứ đàm, thích hợp với chứng viêm thận cấp tính, tiểu không thông, tiểu ra máu, phù nề. Tuy nhiên, người bị bệnh di tinh, đái dắt không nên ăn.

Cháo bí đao: Bí đao tươi cả vỏ 100g hoặc 15g hạt bí đao khô (hạt tươi dùng 30g), gạo lứt vừa đủ; rửa sạch bí đao thái miếng nhỏ, thêm gạo lứt vào nấu thành cháo loãng, ăn tùy ý. Hoặc dùng hạt bí đao nấu lấy nước, bỏ bã, cho gạo lứt vào nấu thành cháo. Món cháo này thích hợp với chứng phù nề viêm thận.

Cháo cải trắng ý dĩ: Cải trắng 500g, nhân ý dĩ 60g; trước hết lấy nhân ý dĩ nấu thành cháo, sau đó cho cải trắng đã rửa sạch thái nhỏ vào, nấu tới khi cải vừa chín; khi ăn không cho muối hoặc cho rất ít muối, ăn mỗi ngày 2 lần. Món cháo này có công dụng kiện tỳ khứ thấp, thanh nhiệt lợi tiểu, thích hợp với chứng phù nề tiểu ít do viêm thận cấp tính.

Cháo mao căn đậu đỏ: Mao căn (rễ tranh) tươi 200g (khô 50g), đậu đỏ 200g; rửa sạch mao căn, cho lượng nước vừa đủ, nấu 30 phút, bỏ bã, cho đậu đỏ đã rửa sạch vào nấu thành cháo; ăn mỗi ngày 1 lần. Món cháo nào có công dụng bổ tỳ lợi thấp, lợi tiểu tiêu sưng, thích hợp với chứng viêm thận mạn tính.