Đường là gia vị quen thuộc trong việc chế biến các thực phẩm hằng ngày. Hiện nay, trên thị trường, có hai loại đường phổ biến nhất là đường nâu và đường trắng. Nhiều người cho rằng ăn đường trắng tốt cho sức khỏe vì được tinh chế sạch sẽ, hạn chế tạp chất, nhưng người khác nghĩ đường nâu tốt hơn.

Đường nâu có thực sự tốt hơn đường trắng?

Đa phần các loại đường ở Việt Nam đều được sản xuất từ mía. Đường trắng (đường kính) phải trải qua quá trình tinh chế nên hầu như các vitamin, khoáng chất... có trong mía đều bị loại bỏ hết, chỉ còn saccarozo - loại đường có độ tinh khiết cao, chiếm khoảng 99,8%.

Trong khi đó, đường nâu thường được tinh chế thủ công, do đó vẫn còn giữ lại một số vitamin, khoáng chất ban đầu có trong cây mía, song không nhiều.

Ảnh minh họa

Trên thực tế, loại đường nào cũng có vị ngọt, vì thế không có sự khác biệt về ý nghĩa nào giữa đường nâu và đường trắng. Sự khác biệt đáng chú ý nhất giữa đường trắng và đường nâu, là đường nâu có hàm lượng canxi, sắt và kali cao hơn một chút. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định chúng không ở mức đủ để có thể đóng góp đáng kể vào dinh dưỡng của bạn.

Những tác hại khi sử dụng quá nhiều đường nâu

Theo chuyên gia dinh dưỡng Veena V (Ấn Độ), đường nâu giống như bất kỳ loại đường nào khác, có thể không tốt cho sức khỏe nếu tiêu thụ quá mức.

Đường nâu chứa nhiều calo

Đường nâu chứa nhiều calo, cung cấp lượng calo rỗng với ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng. Hàm lượng calo chỉ thấp hơn đường trắng một chút. Cụ thể, theo nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một thìa cà phê đường trắng là 16,3 calo và một thìa đường nâu là 15 calo.

Có thể làm tăng lượng đường trong máu

Đường nâu là nguồn cung cấp carbohydrate, gây tăng đột biến lượng đường trong máu khi tiêu thụ với số lượng lớn. Điều này đặc biệt bất lợi đối với những người mắc bệnh tiểu đường hoặc những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Ảnh minh họa

Góp phần gây sâu răng

Tương tự như các loại đường khác, đường nâu có thể gây sâu răng khi tiêu thụ thường xuyên. Vi khuẩn trong miệng khi ăn đường, tạo ra axit ăn mòn men răng và dẫn đến sâu răng.

Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính

Tiêu thụ quá nhiều đường, bao gồm cả đường nâu, có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, tiểu đường loại 2 và một số loại ung thư.

Một số chất thay thế cho đường nâu

Để giảm thiểu việc lạm dụng đường nâu, các chuyên gia khuyến nghị các gia đình có thể sử dụng mật ong để thay thế. Mật ong là chất làm ngọt tự nhiên được ong tạo ra từ mật hoa, nó có một lượng nhỏ vitamin, chất chống oxy hóa và khoáng chất. Mặc dù mật ong vẫn là một dạng đường và nên được tiêu thụ ở mức độ vừa phải, nhưng nó có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe so với đường nâu.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, đường chà cũng được khuyên dùng. Nó được làm từ chà là khô, xay nhuyễn và giữ lại một số chất dinh dưỡng có trong chà là nguyên quả, bao gồm chất xơ, kali và chất chống oxy hóa.

Đường chà là có chỉ số đường huyết thấp hơn so với đường nâu và có thể được sử dụng làm chất làm ngọt tự nhiên trong làm bánh và nấu ăn.

Tương tự, đường dừa cũng được các chuyên gia khuyến khích sử dụng thay đường thông thường. Đường dừa là chất làm ngọt tự nhiên có nguồn gốc từ nhựa được lấy từ hoa của cây dừa, còn được gọi là đường cọ dừa. Đường dừa chứa một lượng nhỏ chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, canxi và kali, cũng như các chất chống oxy hóa. Nó có chỉ số đường huyết thấp hơn so với đường nâu, nghĩa là nó có thể ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu hơn.

Mỗi chất thay thế kể trên đều cung cấp vị ngọt với mức độ tác động khác nhau đến lượng đường trong máu và các lợi ích dinh dưỡng bổ sung, khiến chúng trở thành những lựa chọn lành mạnh hơn so với đường nâu khi bạn sử dụng ở mức độ vừa phải.