Rất ít người tiếp cận dù đắt hơn vàng ròng

Nấm sâu bướm, hay còn gọi là đông trùng hạ thảo hiện được coi là vị “thần dược” khiến giới nhà giàu thi nhau săn lùng.

Thoạt nhìn bề ngoài gớm ghiếc của nó, không ai nghĩ đây là thứ siêu bổ dưỡng cho cơ thể và đồng nghĩa nó cũng có giá siêu đắt đỏ.

Trên mạng internet nở rộ các địa chỉ bán đông trùng hạ thảo với đủ mức giá khác nhau. Tại trang thương mại điện tử Lazada, đông trùng hạ thảo giá rẻ nhất là 280.000 đồng/10g. Còn với các loại đông trùng hạ thảo được quảng cáo “thiên nhiên”, “nguyên con” thì giá khiến người ta chóng mặt.

Đông trùng hạ thảo, mặt hàng đang được giới nhà giàu săn lùng, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm. Ảnh minh họa.

Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, ông Nguyễn Phúc Hưng - Viện phó Viện chăm sóc sức khỏe Việt Nam cho biết, đắt nhất và hiếm nhất trên thị trường phải kể đến đông trùng hạ thảo Tây Tạng.

“Đông trùng hạ thảo chia làm hai loại, gồm loại nuôi cấy và tự nhiên. Trong đó, đắt đỏ nhất, hiếm nhất là đông trùng hạ thảo Tây Tạng. Mỗi vụ chỉ thu hoạch từ 80 – 100kg, giá thị trường đưa ra trung bình từ 1,8 – 2,5 tỷ đồng/kg.

Người Trung Quốc gọi đây là “vàng mềm”, một thứ “thần dược” được giới nhà giàu săn đón. Nguồn cung hiếm hoi, trong khi nhu cầu quá lớn. Giới nhà giàu Việt săn đón dù giá đắt hơn vàng ròng, nhưng thực tế rất hiếm người tiếp cận được loại đông trùng hạ thảo Tây Tạng này”, ông Phúc Hưng nhận định.

Dược sĩ Nguyễn Phúc Hưng, Viện phó Viện chăm sóc sức khỏe Việt Nam. Ảnh: NVCC

Coi chừng bỏ tiền tỷ mua rác “thần dược”

Là người trực tiếp nghiên cứu, nuôi cấy đông trùng hạ thảo 6 năm nay, ông Hưng nhận thấy một thực tế là dù đông trùng hạ thảo quảng cáo “thiên nhiên” nhưng chưa chắc chất lượng đã xứng đáng với giá tiền người tiêu dùng bỏ ra.

Đông trùng hạ thảo thực chất là một giống nấm mọc ký sinh trên con non của loại sâu thuộc họ cánh bướm.

Vào mùa đông, con sâu non nằm ở dưới đất, nấm phát triển vào toàn thân con sâu để hút chất dinh dưỡng làm cho sâu chết. Đến mùa hạ, nấm sinh cơ chất mọc chồi khỏi mặt đất nhưng gốc vẫn dính liền vào đầu sâu. Người ta thường đào lấy tất cả xác sâu và nấm mà dùng làm thuốc. Vì mùa đông là con sâu, mùa hạ lại thành cây cỏ nên gọi là đông trùng hạ thảo.

Chính vì sinh trưởng trong môi trường tự nhiên nên chất lượng đông trùng hạ thảo tự nhiên sẽ phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thổ nhưỡng, nhiệt độ, độ ẩm, thời điểm thu hoạch.

“Ví dụ đông trùng hạ thảo còn một tuần nữa là đến độ chín, có thể thu hoạch nhưng người nông dân mất tới 15 ngày để trèo lên tận đỉnh núi thu hái thì khi đó, dược chất trong đông trùng sẽ giảm đáng kể. Điều kiện thời tiết giá lạnh, thời gian thu hoạch không đúng nên chất lượng đông trùng hạ thảo tự nhiên thường không đồng đều.

Đông trùng hạ thảo tự nhiên thực sự tốt cho sức khỏe, có tới 17 axit amin và khoảng 20 hoạt chất, các nguyên tố vi lượng. Tuy nhiên, thị trường đông trùng hạ thảo hiện nay hỗn độn, hàng thật hàng giả nhiều vô kể.

Con đông trùng hạ thảo tự nhiên có tám cặp chân. Người ta có thể làm đông trùng hạ thảo giả y như thật, làm giả đến cả cặp chân. Câu hỏi đông trùng hạ thảo được rao trên thị trường là tự nhiên có thực sự tự nhiên hay không vẫn là một câu hỏi lớn”, ông Phúc Hưng nói.

Mời bạn đọc Phụ nữ Sức khỏe đón đọc Kỳ 2: Đông trùng hạ thảo tiền tỷ: Nguy cơ mua phải hàng trôi nổi, nhiễm kim loại nặng.