Ký ức về chuyến cấp cứu giữa đêm của con gái 6 tuổi khiến chị N.T.M.T (35 tuổi; ngụ quận 12, TP HCM) vô cùng hãi hùng. Bé đi ăn cưới cùng cha mẹ, trên đường về đã bắt đầu than ngứa. 23 giờ, bé nổi mẩn đỏ khắp mặt, tay chân và sốt. Hốt hoảng, chị T. bồng con lên taxi đến thẳng Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1. Bác sĩ (BS) nói rằng bé dị ứng với một loại cá trong bữa tiệc.

Trứng, sữa, bột mì... cũng gây dị ứng

Bé M.H được bà đưa đến BV Nhi Đồng 2 (TP HCM) khi trên da đã xuất hiện nhiều mảng đỏ sưng tấy, ngứa ngáy khó chịu. Đây là lần thứ hai bé H. tiếp xúc với hải sản nhưng lần này nặng hơn lần đầu. Vì thấy mức độ sưng phù nghiêm trọng và lo lắng nên bà đưa bé vào viện.

Trong nhiều sinh hoạt chuyên đề dành cho phụ huynh và giáo viên do BV Nhi Đồng 1 tổ chức, chủ đề dị ứng thức ăn được nhắc lại thường xuyên. Theo các chuyên gia, có 8 nhóm thực phẩm gây ra 90% ca dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ như: sữa, trứng, cá, tôm, cua, sò, ốc, đậu phộng, hạt có vỏ cứng, sữa đậu nành. Một số trẻ lại dị ứng với những thứ ít ai nghĩ tới như lúa mạch hay trái cây.

Từ một thống kê của Pháp, trứng là loại thực phẩm đứng đầu bảng gây dị ứng ở trẻ em (34%), sau đó là đậu phộng (23%). Xét theo độ tuổi, trẻ nhỏ hay dị ứng với sữa bò; trong khi trẻ lớn hay gặp rắc rối với hải sản, cá, đậu phộng, hạt có vỏ cứng… Một số dị ứng thuở nhỏ có thể tự hết khi lớn lên như sữa, trứng, bột mì… Dị ứng thức ăn gặp ở 2%-6% trẻ em. Trong các triệu chứng dị ứng thì nguy hiểm nhất là sốc phản vệ. Thống kê tại Mỹ cho thấy sốc phản vệ xảy ra với tỉ lệ 1 đến 70/100.000 người bệnh, trong đó từ 13%-65% là do dị ứng thức ăn. Sốc phản vệ dễ gây tử vong.

Đừng bao giờ đưa những món trẻ dị ứng vào bữa ăn thường ngày và chỉ dùng thật ít khi cho trẻ thử món mới. Ảnh: HỮU DŨNG

 Dễ gặp nguy hơn người lớn

Nếu như người lớn biết được món làm mình dị ứng mà tránh thì trẻ em dễ gặp nguy hiểm ngay từ lần đầu tiên nếm món ăn. ThS-BS Huỳnh Minh Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi Đồng 2, cho biết: Đối với những bé nhạy cảm, dễ dị ứng do cơ địa thì ngay lần đầu tiên tiếp xúc với món mà trẻ mẫn cảm, ví dụ như hải sản, đều dẫn đến dị ứng thức ăn. Tùy vào hệ miễn dịch của trẻ, mức độ dị ứng sẽ nặng nhẹ khác nhau. BS Thu khuyến cáo rằng một khi đã từng dị ứng, phụ huynh nên hạn chế cho trẻ ăn món đó. Cho dù đó là một thực phẩm bổ dưỡng nhưng nếu vì lo lắng trẻ bị thiếu chất mà cố tình cho ăn sẽ khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu, việc dị ứng càng tồi tệ hơn.

Phụ huynh phải là người hiểu rõ con mình nhất, khi biết bé có cơ địa dị ứng thì nên suy nghĩ kỹ khi đưa trẻ vào những hoàn cảnh không có khả năng cấp cứu như đi du lịch ở nơi hoang vu: trong rừng, trên núi, đảo…, nhất là không nên thử các món ăn độc, lạ. Dị ứng thức ăn nặng có thể gây co thắt thanh quản và ngưng thở dẫn đến thiếu ôxy não, chết não và thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Một điều cần lưu ý là dị ứng còn mang tính di truyền. Cha mẹ dễ dị ứng thì con có thể cũng vậy. Vì thế, nên lưu ý cho con nếu bạn là người dễ dị ứng. Phụ huynh cũng nên nắm rõ cơ địa dị ứng của con: suyễn, chàm, sốc phản vệ… để khai rõ với BS khi cần, ví dụ như lúc đi khám bệnh (bất kể bệnh gì) để được cho thuốc phù hợp.

BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), khuyên tốt nhất cha mẹ nên đưa bé đi điều trị khi phát hiện dị ứng. Nhiều người quá lo, kiêng khem đủ thứ vì không rõ trẻ dị ứng cái gì, như vậy sẽ khiến trẻ thiếu chất. Ở các BV nhi đều có test nhằm xác định bé dị ứng cái gì để kiêng đúng thứ đó.

 Nhiều trường hợp dị ứng thức ăn có thể được điều trị bằng phương pháp tạm ngưng ăn (6 tháng đến 1 năm) để cơ thể thích nghi hoặc tập ăn dần với lượng nhỏ. "Tuy nhiên, những phương pháp này chỉ được tiến hành bởi BS. Phụ huynh tuyệt đối không được tự làm vì cực kỳ nguy hiểm" - BS Tiến nhấn mạnh.