Họ cũng được bảo đảm quyền kết hôn theo giới tính mới sau khi được công nhận là người chuyển đổi giới tính; được bảo đảm các quyền khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật... Thông tin này được các chuyên gia nêu tại Tọa đàm kinh nghiệm quốc tế và tham vấn Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, ngày 26/8.

Chuyển giới nam (trans man) là thuật ngữ chỉ một người là đàn ông nhưng khi sinh ra được xác định giới tính là nữ. Về mặt giải phẫu học, cơ thể người chuyển giới nam có tử cung, trứng, âm đạo của một người nữ nên có thể sinh con như phụ nữ bình thường. Tại Việt Nam đã có một số trường hợp người chuyển giới nam sinh con thành công.

Cũng theo dự thảo Luật chuyển đổi giới tính, người chuyển giới không bắt buộc phải thực hiện can thiệp y học, việc thực hiện can thiệp là hoàn toàn tự nguyện.

Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính được định nghĩa là việc một người sử dụng nội tiết tố sinh dục và/hoặc phẫu thuật ngực và/hoặc phẫu thuật bộ phận sinh dục với mong muốn chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ cơ thể đang có giới tính sinh học hoàn thiện sang giới tính khác phù hợp với nhận diện giới của họ.

"Ngoài quyền được tự nguyện can thiệp y học, người chuyển giới không bị bắt buộc phải triệt sản khi phẫu thuật bộ phận sinh dục, trừ trường hợp tự nguyện", bà Phạm Thị Hảo, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nói.

Theo Bộ Y tế, ước tính có khoảng 480.000 người chuyển giới tại Việt Nam, song con số thực tế cao hơn rất nhiều bởi đa số giấu kín, chưa công khai. Người chuyển giới phải đối mặt với kỳ thị, định kiến, phân biệt đối xử trên nhiều bình diện (gia đình, trường học, công sở, khu vực công cộng, dịch vụ y tế/khám chữa bệnh...). Trung bình có khoảng 3 người gặp phải tình trạng trên trong vòng 12 tháng.

Gần 40% người tham gia một cuộc khảo sát của Bộ Y tế cho biết họ đã từng nỗ lực tự tử. Nỗi sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử cũng cản trở người chuyển giới tìm kiếm thông tin, dịch vụ liên quan tới chăm sóc sức khỏe khi họ mắc bệnh. 18% người sống chung với HIV và giang mai, 4% chưa từng xét nghiệm HIV, 42% cho biết đang có mức độ trầm cảm cao.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho biết Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong việc xóa bỏ kỳ thị đối với cộng đồng LGBT, như năm 2015, Bộ luật Dân sự được sửa đổi, đã công nhận quyền được chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên cá nhân nào được thực hiện chuyển đổi giới tính, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào được phép thực hiện chuyển đổi giới tính, quy trình chuyển đổi giới tính như thế nào, thủ tục công nhận người chuyển đổi giới tính để thay đổi giấy tờ hộ tịch... thì chưa được quy định cụ thể.

"Do vậy, việc công nhận đối với người chuyển đổi giới tính hiện nay chưa được triển khai trong thực tiễn", bà Thúy nói và thêm rằng môi trường pháp lý cần được cải thiện để tạo thuận lợi cho họ trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, giáo dục, y tế, việc làm.

Ở Việt Nam hiện nay rất ít người chuyển giới được pháp luật công nhận. Để được cho phép chuyển giới, họ phải được bác sĩ các bệnh viện theo chỉ định như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Nhi đồng... khám, xác định là cấu trúc cơ thể đặc thù của người chuyển giới, ví dụ ngoại hình nam nhưng có tử cung, hoặc nam có âm đạo. Những trường hợp này sẽ được bác sĩ tư vấn để chọn bản giới thật phù hợp với từng cá nhân và tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Sau chuyển giới thành công và có xác nhận của bác sĩ, họ được phép tiến hành các thủ tục sửa đổi thông tin cá nhân trên khai sinh và các giấy tờ tùy thân khác cho phù hợp bản giới đã thay đổi.

Hầu hết người chuyển giới tại Việt Nam tự ý sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới, nên khi về nước mặc dù ngoại hình giới tính thay đổi nhưng không thể sửa đổi thông tin cá nhân trên giấy tờ tùy thân. Điều này dẫn tới thực tế ngoại hình một người là nam/nữ nhưng giới tính trên giấy tờ là nữ/nam.

Trên thế giới, nhiều nước đã ban hành Luật chuyển đổi giới tính. Theo bà Lương Oanh, Cán bộ chương trình, UN Women Việt Nam, Pakistan đã bãi bỏ thông lệ kiểm tra y tế như một điều kiện để được công nhận giới tính hợp pháp. Na Uy đã bác bỏ cả chẩn đoán tâm thần và đánh giá tâm lý vì "bản thân mong muốn thay đổi giới tính pháp lý không nên là lý do để nghi ngờ về sức khỏe tâm thần của người đó".

Hay, theo luật của Argentina, người chuyển giới được đảm bảo hưởng y tế toàn diện, được tiếp cận các can thiệp phẫu thuật toàn diện hay bộ phận, và/hoặc được điều trị hormone toàn diện để thay đổi cơ thể, kể cả phẫu thuật cơ quan sinh dục, theo đúng bản dạng giới tự nhận thức, mà không cần yêu cầu sự cho phép về mặt pháp lý hay hành chính.

Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính đang ở giai đoạn xây dựng Hồ sơ đề nghị Dự án Luật. Cuối tháng 6, Bộ Y tế đã có Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính trình Chính phủ kèm theo hồ sơ đề nghị Dự án Luật. Hiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được lấy ý kiến thành viên Chính phủ và báo cáo tại Phiên họp thường trực Chính phủ tháng 8. Trong năm nay, Bộ Y tế tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến.