Mất tinh hoàn vì chủ quan

Các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa cấp cứu cho trường hợp anh Nguyễn Thế Q. (28 tuổi, trú tại Thái Nguyên). Anh Q. bị đau tinh hoàn khoảng 7 ngày trước nhưng anh cố chịu vì nghĩ do mặc quần chật. Anh vẫn không đi khám. Vợ anh thấy chồng đau tinh hoàn chị mua thuốc cho chồng và đắp ngải cứu với hi vọng giảm đau cho chồng. 

Tuy nhiên, tình trạng đau ở vùng tinh hoàn, bìu sưng to hơn, vợ anh mới khuyên chồng đi khám. Anh Q. liên hệ với một bác sĩ ở Hà Nội và khi đến một phòng khám tư của bác sĩ khám thì anh được chỉ định vào viện ngay vì nghi ngờ xoắn thừng tinh.

Tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội qua siêu âm bác sĩ chẩn đoán ngay xoắn thừng tinh và lập tức cho bệnh nhân đi mổ.

Ca phẫu thuật tinh hoàn cho người bệnh - Ảnh minh họa: Internet

Khi mổ, bác sĩ thấy tinh hoàn bên phải của anh Q. đã đen xì như quả nho, bắt đầu hoại tử. Dù rất cố gắng nhưng bác sĩ vẫn không thể bảo tồn tinh hoàn cho người bệnh, phải cắt bỏ tinh hoàn phải.

Trường hợp của anh Q. không phải là hiếm. Anh Ngô Quý H. (34 tuổi, Lào Cai) bị đau tinh hoàn 5 ngày không khỏi. Ban đầu e dè đi khám bệnh nhưng tình trạng đau không dứt nên anh H. đến bệnh viện sớm được bác sĩ tháo xoắn và bảo tồn tinh hoàn. Trường hợp anh H. may mắn đến bệnh viện sớm vì chỉ chậm thêm 1, 2 ngày khả năng cao anh cũng phải cắt bỏ tinh hoàn. 

Khi nào cần đến viện?

Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Khoa Ngoại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết xoắn tinh hoàn là một cấp cứu niệu khoa. Bệnh nhân cần phải chẩn đoán nhanh chóng và điều trị sớm do thời gian là yếu tố then chốt để bảo tồn được tinh hoàn. Biểu hiện thường gặp của xoắn tinh hoàn là bất ngờ đau, sưng to bìu, có thể sốt, ớn lạnh, đau bụng, buồn nôn

Bác sĩ Liên cho biết xoắn tinh hoàn thường gặp ở trẻ em hơn nhưng cũng có thể gặp ở những nam giới sau tuổi dậy thì. Phần lớn trường hợp xoắn tinh hoàn là do những thiếu sót về giải phẫu dẫn đến thừng tinh bị dài quá mức và tinh hoàn bị treo một cách bất thường trong bìu. Thừng tinh dài quá mức khi di động sẽ xoắn vào chính nó. 

Hình ảnh tinh hoàn bị xoắn - Ảnh BSCC

Trong quá trình xoắn khiến dòng chảy trong tĩnh mạch sẽ bị ngừng lại ban đầu là do các thành mạch dễ bị xẹp và áp lực trong lòng mạch thấp. Nối tiếp với hiện tượng tắc nghẽn tĩnh mạch sẽ là giảm dòng chảy vào của động mạch, cuối cùng sẽ dẫn đến tắc hoàn toàn.

Khi thừng tinh bị xoắn hoàn toàn và máu không đến được, tinh hoàn sẽ nhanh chóng bị nhồi máu và mất chức năng vĩnh viễn một cách nhanh chóng.

Thạc sĩ Liên nhấn mạnh khi có các dấu hiệu đau tinh hoàn, người ớn lạnh bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán sớm. Nếu chẩn đoán sớm tỷ lệ bảo tồn được xấp xỉ 100% trong 3 giờ đầu, 83 - 90% trong 5 giờ, 75% trong 8 giờ, và 50 - 70% trong 10 giờ.

Tỷ lệ bảo tồn được sẽ giảm xuống còn 10 đến 20% khi tình trạng xoắn tinh hoàn vẫn còn tồn tại cho đến trên 10 giờ. Sau 24 giờ, khả năng bảo tồn được tinh hoàn rất kém ngoại trừ trường hợp bệnh nhân bị xoắn không liên tục.

Xoắn tinh hoàn là bệnh nguy hiểm với mày râu vì ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của chính người bệnh. Bệnh thường xảy ra bất ngờ, nhưng việc điều trị lại khá đơn giản nếu được phát hiện và xử lý kịp thời. 

Khi tháo xoắn, bác sĩ sẽ đánh giá màu sắc tinh hoàn để quyết định bảo tồn hay cắt bỏ tinh hoàn. Bác sĩ Liên cho biết không riêng gì xoắn tinh hoàn, nếu nam giới bị đau vùng bẹn bìu cần nghĩ tới các bệnh như sau để đi khám cấp cứu: Viêm tinh hoàn cấp, viêm mào tinh hoàn cấp, giãn tĩnh mạch tinh, thoát vị bẹn nghẹt, thoát vị bẹn cầm tù.