Hình ảnh mô phỏng 2 quả thận (Ảnh: Dialysis Patient Citizens Education Center)

Hai quả thận nằm ở hai bên cột sống, phía sau bụng và bên dưới khung xương sườn. Chức năng chủ yếu của thận là loại bỏ các chất thải và lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, thận còn đảm nhận vai trò giải phóng hormone điều chỉnh huyết áp, kiểm soát quá trình chuyển hóa canxi, kiểm soát việc sản xuất các tế bào hồng cầu.

Mỗi ngày, thận thực hiện nhiệm vụ lọc khoảng 200 lít máu và chất lỏng, trong đó có 2 lít chất thải được loại bỏ khỏi cơ thể dưới dạng nước tiểu. Khi chức năng của thận bị suy giảm, dù với bất kỳ lý do nào, cơ thể đều sẽ có những dấu hiệu cảnh báo nhất định. Dấu hiệu của bệnh thận mà mọi người thường biết tới nhiều nhất đó là các triệu chứng về đường tiểu. Một dấu hiệu cũng rất phổ biến khác đặc trưng cho bệnh thận đó là sưng, phù chân.

Vì sao người bị bệnh thận lại bị sưng, phù chân?

Sưng, phù chân có thể là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó các bệnh lý về thận có lẽ là bệnh phổ biến nhất.

Một trong những chức năng quan trọng nhất của thận là bài tiết muối và nước dư thừa. Do đó, tích nước là một đặc điểm của nhiều bệnh thận khác nhau, từ hội chứng thận hư, tổn thương thận cấp tính và bệnh thận mạn tính. Triệu chứng này cũng có thể là do rối loạn tuyến giáp, bệnh tim, bệnh gan, các vấn đề về hạch bạch huyết, sử dụng thuốc và mất cân bằng nội tiết tố ở nữ.

Do đó, khi thấy chân bỗng dưng bị sưng, phù, cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán bệnh sớm.

Hội chứng thận hư và tổn thương thận cấp tính hoàn toàn có thể chữa khỏi. Hội chứng thận hư là tình trạng protein bị rò rỉ vào nước tiểu dẫn đến nồng độ protein trong máu thấp và xảy ra hiện tượng giữ nước. Còn trong tổn thương thận cấp tính, chức năng thận tạm thời bị ảnh hưởng. Do đó, nếu được phát hiện sớm, việc hồi phục hoàn toàn là điều có thể.

Đối với bệnh thận mạn tính - một nguyên nhân phổ biến khác của sưng, phù chân - thường là hậu quả của bệnh đái tháo đường, huyết áp cao. Sưng, phù chân thường là một triệu chứng muộn ở dạng bệnh này. Do đó, cách tốt nhất để chẩn đoán sớm bệnh thận mạn tính là kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao. Bệnh thận mạn tính là một bệnh tiến triển nhưng có một số phương pháp điều trị để làm chậm sự tiến triển đó.

Sưng, phù chân là dấu hiệu điển hình của bệnh thận (Ảnh: Getty)

Các dấu hiệu khác của bệnh thận

Thường xuyên mệt mỏi, khó tập trung

Khi chức năng thận suy giảm nghiêm trọng có thể dẫn đến tích tụ độc tố và tạp chất trong máu. Điều này có thể gây ra cảm giác mệt mỏi, mất sức và khó tập trung.

Một biến chứng khác của bệnh thận là thiếu máu. Biến chứng này cũng có thể gây suy nhược và mệt mỏi.

Các vấn đề về giấc ngủ

Khi chức năng lọc bỏ độc tố của thận bị ảnh hưởng, chất độc sẽ ở lại trong máu thay vì được đào thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Điều này có thể gây ra triệu chứng khó ngủ.

Ngoài ra còn có mối liên hệ giữa béo phì và bệnh thận mạn tính. Những người mắc bệnh thận mạn tính cũng gặp phải hội chứng ngưng thở khi ngủ nhiều hơn so với những người không mắc bệnh.

Khô và ngứa da

Khi chất thải và chất lỏng dư thừa không được đào thải ra khỏi cơ thể do chức năng thận suy giảm, bệnh nhân có thể có dấu hiệu khô, ngứa da.

Đi tiểu thường xuyên hơn

Tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là vào buổi tối có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Khi chức năng lọc của thận bị tổn thương, nhu cầu đi tiểu gấp có thể tăng lên. Triệu chứng này đôi khi cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiểu hoặc bệnh về tuyến tiền liệt ở nam giới.

Có máu trong nước tiểu

Khi thận khỏe mạnh, các tế bào máu sẽ được giữ lại trong cơ thể, chỉ có lượng nước thải dư thừa được đào thải qua nước tiểu. Tuy nhiên, khi chức năng thận bị suy giảm, các tế bào máu có thể bị rò rỉ vào nước tiểu.

Ngoài việc báo hiệu suy giảm chức năng thận, máu trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của khối u, sỏi thận hoặc nhiễm trùng.

Các vấn đề về nước tiểu cũng cảnh báo bệnh thận (Ảnh: Freepik)

Nước tiểu có bọt

Nước tiểu có quá nhiều bọt có thể là dấu hiệu cho thấy nước tiểu đang dư thừa protein.

Chán ăn

Chán ăn là một dấu hiệu phổ biến của các bệnh về thận khi lượng chất độc hại tích tụ trong cơ thể thay vì được đào thải ra ngoài do chức năng thận bị tổn thương.

Chuột rút

Mất cân bằng điện giải có thể do chức năng thận bị suy giảm. Ví dụ, khi mức canxi và phốt pho trong cơ thể thấp có thể gây ra tình trạng chuột rút.