Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết tình trạng thiếu máu, thiếu sắt khá phổ biến.

Khi không đủ sắt, cơ thể không thể vận chuyển đủ oxy cho nhu cầu của các cơ quan, dẫn đến mệt mỏi và khó thở.

"Ban đầu, thiếu máu do thiếu sắt nhẹ, có thể không được chú ý vì ít triệu chứng. Khi cơ thể thiếu sắt và tình trạng thiếu máu trầm trọng hơn, các dấu hiệu sẽ tăng lên", bác sĩ Hưng nói.

Chuyên gia Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay các triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt hay gặp thường là:

  • Mệt mỏi, buồn ngủ
  • Da xanh, niêm mạc nhợt
  • Nhịp tim nhanh, khó thở
  • Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt
  • Tay, chân lạnh
  • Đau, viêm lưỡi
  • Móng tay dễ gãy
  • Chán ăn, đặc biệt trẻ nhỏ
Khi không đủ sắt, cơ thể không thể vận chuyển đủ oxy cho nhu cầu của các cơ quan, dẫn đến mệt mỏi và khó thở. Ảnh: Csid.

Theo Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có những trường hợp gặp nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt khá cao. Trong đó, phụ nữ dễ thiếu máu do thiếu sắt vì bị mất máu trong kỳ kinh nguyệt.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh, đặc biệt là những bé nhẹ cân hoặc sinh non, không nhận đủ sắt từ sữa mẹ hoặc sữa công thức có thể có nguy cơ bị thiếu sắt.

"Trẻ em cần thêm sắt trong giai đoạn tăng trưởng. Nếu không có chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng, trẻ có nguy cơ bị thiếu máu", bác sĩ Hưng nói thêm.

Bên cạnh đó, những người ăn chay, không ăn đủ thịt hay các chất đạm từ nguồn gốc động vật cũng có thể có nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt cao hơn.

Những người thường xuyên hiến máu có thể tăng nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt. Hiến máu có thể làm cạn kiệt nguồn dự trữ sắt. Huyết sắc tố thấp liên quan hiến máu là vấn đề tạm thời, có thể được khắc phục bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt.

"Nếu được thông báo rằng không thể hiến máu vì huyết sắc tố thấp, hãy hỏi bác sĩ xem bạn có nên lo lắng không", bác sĩ Hưng nói thêm.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng khuyến cáo đa dạng hóa bữa ăn là phương pháp tốt nhất để cải thiện các nguyên tố vi lượng của cơ thể trong đó có sắt

Sắt trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật như: đậu ve, đậu nành, các loại rau có lá và bột ngũ cốc; thức ăn nguồn gốc động vật như: thịt bò, sữa, trứng, gan, ngao, sò, ốc, hến…