Nguyên nhân gây ra đau giữa đầu

Đau đầu là triệu chứng thường gặp ở nhiều bệnh khác nhau. Bất kỳ ai cũng gặp trường hợp đau giữa đầu ít nhất một lần trong đời. Có nhiều trường hợp đau đầu dai dẳng không rõ nguyên nhân để điều trị, gây ra những lo lắng căng thẳng và mệt mỏi cho người bệnh.

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh đau giữa đầu - Ảnh minh họa: Internet

Cơn đau ở giữa đầu có thể chỉ xuất hiện trong một vài phút rồi sẽ tự khỏi. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp cơn đau dữ dội và kéo dài trong một vài ngày hoặc đau âm ỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh, và dễ gây ra biến chứng nguy hiểm.

Tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau hiện nay khiến số lượng người đau đầu ngày một đông và mức độ đau nặng thêm.

Những cơn đau xuất hiện bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau, dưới đây là một vài nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh đau đầu nguy hiểm.

Căng thẳng tâm lý, stress: Là một trong những nguyên nhân chính gây ra các hiện tượng đau đầu căng thẳng, có thể là đau một bên đầu hoặc đau đỉnh đầu.

Huyết áp cao: Cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra đau đỉnh đầu, khi áp lực của máu tăng lên, tác động mạnh vào các thành mạch làm xuất hiện nguy cơ xơ vữa động mạch hoặc dãn mạch máu, gây ra các triệu chứng đau đầu.

Thiếu máu não: Do suy nhược cơ thể, mạch máu bị chèn ép hoặc các bệnh lý về tim mạch… cũng làm xuất hiện các cơn đau đầu giữa trán, các cơn đau không dữ dội mà sẽ âm ỉ nặng nề như có vật gì chèn vào đầu, kèm theo các hiện tượng như chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng khi thay đổi tư thế…

Biểu hiện của bệnh thiếu máu não là những cơn đau giữa đầu, chóng mặt, hoa mắt... - Ảnh minh họa: Internet

Bệnh u não: Nếu đau đầu nhiều tháng không khỏi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của khối u trong não. Đau đầu dữ dội, ở mức độ chưa từng thấy, đau giữa đầu buồn nôn thì đây là triệu chứng bệnh cần được xem xét kỹ. Bạn cần chụp CT, cộng hưởng từ, scan não để phát hiện chính xác nguyên nhân bệnh.

Hội chứng đau nửa đầu Migraine (hay đau đầu vận mạch): Đây là bệnh lý đau đầu phổ biến nhất trên thế giới. Người bệnh sẽ có triệu chứng đau giữa đầu hoặc một bên đầu, thậm chí đau cả đầu kiểu giật nhói như mạch đập, đau từng cơn, cơn đau thường kèm theo nôn hoặc buồn nôn, sợ ánh sáng, cơn đau càng nặng khi vận động…

Viêm xoang mũi: Người bệnh cảm thấy đau hoặc bị đè nặng ở trán hoặc hai bên má, mũi và ở giữa hai mắt, có kèm theo sốt, nghẹt mũi, thậm chí giảm chức năng khứu giác

Do thay đổi thời tiết khi chuyển mùa: Lúc mưa lúc nắng, lúc nóng lúc lạnh,... thường gây ra cơn đau đầu ở vùng trán, vùng đỉnh đầu, đau đầu giữa hai hàng lông mày, hai hốc mắt, người cảm thấy mệt mỏi.

Tác hại của đau giữa đầu

Tất cả các loại đau đầu dù là dạng nào thì sau 3 tháng đều sẽ xuất hiện những thay đổi cấu trúc và làm tổn thương não do các gốc tự do liên tục được sinh ra trong cơ thể trong quá trình chuyển hóa, gây tổn thương các tế bào thần kinh.

Tùy từng trường hợp, đau đầu trong một thời gian dài sẽ khiến bệnh nhân xuất hiện những biểu hiện trầm cảm, lo âu, hay quên, rối loạn trí nhớ, thiếu tập trung... Đau đầu càng nặng sẽ càng bộc lộ những triệu chứng này thường xuyên hơn, dễ dẫn đến sa sút trí tuệ, đột quỵ não dẫn đến tàn tật và thậm chí tử vong.

Đau giữa đầu gây ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh - Ảnh minh họa: Internet

Điều đáng lo ngại nhất là hiện nay đa số bệnh nhân đều chủ quan với các cơn đau giữa đầu, không tìm hiểu nguyên nhân chính gây bệnh mà lạm dụng thuốc giảm đau, gây khó khăn trong việc điều trị và làm bệnh dễ tái phát.

Cách chữa đau giữa đầu nhanh chóng và hiệu quả

Nếu đau đầu xảy ra thường xuyên, bạn nên đi khám sớm tại chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán bệnh chính xác và có cách chữa trị phù hợp. Đừng để những cơn đau diễn ra quá lâu mới thăm khám bởi tình trạng bệnh sẽ càng nặng thêm.

Ngoài ra, một số cách giúp hỗ trợ giảm đau trong trường hợp đau nhẹ và không liên tục như sau:

Nghỉ ngơi tại chỗ

Khi có dấu hiệu đau giữa đầu, bạn nên dừng lại tất cả công việc hiện tại ngay lập tức, điều tốt nhất lúc này là bạn hãy nghỉ ngơi trong phòng tối, yên tĩnh để được thư giãn, nghỉ ngơi, giúp đầu óc thư giãn nhẹ nhàng.

Tắm nước nóng

Để cơ thể được thư giãn dưới làn nước nóng ấm giúp mau lưu thông tốt hơn, kết hợp với massage cơ thể, đầu cổ, gáy… sẽ giúp bạn giảm bớt các cơn đau.

Thư giãn cả cơ thể trong làn nước nóng ấm có tác dụng giảm đau đầu - Ảnh minh họa: Internet

Massage mặt, cổ, vai và da đầu của bạn

Nếu bạn đang tìm kiếm cách chữa đau giữa đầu nhanh chóng hãy thử áp dụng cách này, đặc biệt là khi bạn bị đau đầu vì căng thẳng thì massage chính là cách giúp lưu thông máu và giảm căng thẳng rất tốt.

Hãy đặt ngón tay vào hai bên thái dương. Nhấn ngón tay, sử dụng lực đều và di chuyển chuyển động tròn, hoặc xoay tròn ngón tay ở thái dương rồi vuốt từ thái dương lên điểm giữa trán. Lặp lại như vậy nhiều lần cho tới khi cảm thấy đỡ đau hơn.

Nước chanh và trà gừng

Chanh là loại quả chứa nhiều thành phần giúp bạn thư giãn, hỗ trợ trị chứng đau đầu hiệu quả và nhanh chóng. Gừng giúp cho các mạch máu giãn ra, làm giảm sưng não và làm giảm các cơn đau ở vùng đầu. 

Vì vậy, nếu bạn bị đau đầu, hãy dùng 3-4 tách trà gừng trong ngày để cảm thấy nhẹ nhàng, giảm đau đầu.

Trà chanh gừng nóng có tác dụng giảm đau đầu rất hiệu quả - Ảnh minh họa: Internet

Ngồi thiền

Ngồi ở một yên tĩnh, thoải mái, nhắm mắt lại, thư giãn và tập trung vào hơi thở sẽ giúp bạn giảm các cơn đau giữa đầu.

Chạy bộ thư giãn

Thậm chí đi bộ 10 phút trong toà nhà của bạn sẽ giúp tiết ra hợp chất có hormone giảm đau, giúp giảm đau tự nhiên và đặc tính chống lại căng thẳng.

Cách phòng ngừa chứng đau đầu

  • Điều chỉnh chế độ sinh hoạt: Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tự tạo cho mình một tinh thần thoải mái, không nên để tình trạng căng thẳng, stress kéo dài.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý và xây dựng một kế hoạch luyện tập thể dục thể thao phù hợp để có được một cơ thể khỏe mạnh, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Duy trì lối sống lành mạnh, khoa học là cách giúp bạn ngăn ngừa bệnh tật nói chung và các triệu chứng đau đầu nói riêng - Ảnh minh họa: Internet
  • Tăng cường vận động thể dục thể thao hàng ngày thường xuyên với những bài tập vừa sức và tăng dần cường độ, không nên tập luyện quá sức, tập thể dục đều đặn 30-40 phút mỗi ngày.
  • Lựa chọn một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, hạn chế những thực phẩm gây hại cho sức khỏe, các loại thức uống có cồn như rượu bia, cà phê,... và các chất kích thích như thuốc lá…
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên 6 tháng một lần để phát hiện những bất thường của cơ thể.

Các cơn đau giữa đầu nói riêng và đau đầu là dấu hiệu cảnh báo sức khoẻ của bạn đang gặp vấn đề, vì vậy đừng chủ quan mà hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám tìm hiểu nguyên nhân và điều trị bệnh kịp thời.