Việc điều trị phụ thuộc vào vị trí khối u, đặc tính mô bệnh học, tuổi bệnh nhân, mức độ đáp ứng điều trị. Tuy nhiên, điều trị sớm và nhanh chóng, đúng phác đồ là quan trọng nhất.

Nhóm tuổi dễ mắc?

Về mô bệnh học, u tiểu não gồm u nguyên tủy bào (medulloblastoma), u tế bào hình sao (astrocytoma), u màng não thất (ependymoma), ngoài ra còn một số loại u ít gặp khác.

U tế bào hình sao chiếm 10 - 20% tất cả các u não trẻ em, có độ ác tính thấp. U nguyên tủy bào là khối u ác tính nhất, chiếm 15 - 20% tất cả các u não, tuổi thường gặp nhất là 3 - 8 tuổi. U nguyên tủy bào có thiên hướng rõ ràng di căn theo đường dịch não tủy gây khối u ở tủy từ 11 - 43% các trường hợp được chẩn đoán. U màng não thất là khối u bắt nguồn từ màng não thất, thường gặp nhất ở não thất IV, tuổi trung bình được chẩn đoán là 5 tuổi, 25 - 40% trẻ mắc nhỏ hơn 2 tuổi.

Trên thế giới, tỷ lệ mắc ung thư ở hệ thần kinh trung ương chiếm gần 20% tổng số các u tăng sinh ở trẻ em dưới 15 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi là 30%, dưới 10 tuổi 75%. Vị trí khối u phổ biến nhất ở vùng hố sau.

Ở Việt Nam, chưa có tỷ lệ cụ thể về tỷ lệ mắc u tiểu não tại cộng đồng. Theo một nghiên cứu từ 1/2009 đến 12/2013 tại Bệnh viện Nhi Trung ương có khoảng 130 trẻ bị u tiểu não được phẫu thuật, tỷ lệ gặp trẻ nam 1,58/1 trẻ nữ, và 85% gặp ở nhóm tuổi từ 2 - 8 tuổi.

U nguyên bào tủy (medulloblastoma).

Nguyên nhân do đâu?
 
Nguyên nhân của các loại u tiểu não nói chung chưa biết rõ, nhưng một số trường hợp liên quan đến yếu tố di truyền. Ở trẻ em, u tiểu não xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi, có trường hợp xuất hiện trong những tháng đầu sau sinh.

Cách phát hiện

Đau đầu là dấu hiệu hay gặp nhất chiếm 76 - 85% các trường hợp, nôn thường kèm với đau đầu, nhưng nôn cũng có thể xuất hiện không cùng với đau đầu. Nôn từng đợt, tái diễn và thường xuất hiện vào buổi sáng. Phù gai thị là dấu hiệu cũng thường gặp.

Bệnh nhi trẻ nhỏ có thể thấy đầu to, thóp rộng, căng, khớp sọ bị giãn rộng. Loạng choạng khi vận động, run tay chân, dáng đi thất điều, giảm trương lực cơ, giật nhãn cầu, rối loạn ngôn ngữ. Cổ nghiêng về một bên, nhìn đôi. Đôi khi trẻ biểu hiện triệu chứng thâm nhiễm thần kinh trung ương và hoặc tủy sống: trẻ thấy đau lưng và giảm trương lực cơ, giảm vận động chi dưới.

Chẩn đoán và điều trị

Chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp vi tính là thăm dò chức năng quan trọng để xác định vị trí và đặc điểm hình thái của u tiểu não. Chụp cộng hưởng từ phổ giúp chẩn đoán mức độ ác tính của khối u. Chẩn đoán mô bệnh học giúp phân loại các tế bào ung thư, là cơ sở quan trọng để áp dụng các liệu pháp điều trị u tiểu não.

Về điều trị, có nhiều phương pháp, trong đó các phương pháp điều trị cơ bản là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, phục hồi chức năng, chăm sóc tâm lý và điều trị giảm nhẹ.

Đối với phương pháp điều trị phẫu thuật: tốt nhất là phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u, nhưng thực tế hầu hết khối u có giới hạn không rõ nên việc cắt bỏ hoàn toàn khối u nhiều khi rất khó khăn. Đôi khi chỉ cắt được một phần u hoặc sinh thiết bằng kim.

Ảnh minh họa: Internet

Đối với phương pháp xạ trị; mục đích đạt được của xạ trị là diệt được tế bào u, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến tế bào não xung quanh. Xạ trị đơn thuần hoặc phối hợp với các phương pháp khác. Liều xạ thay đổi tùy theo vị trí, kích thước và loại mô bệnh học. Xạ trị quy ước với mục đích điều trị triệt để thường dùng liều 50 - 55 Gy, mỗi phân liều 1,8 - 2 Gy, 1 phân liều/ngày.

Phương pháp hóa trị liệu; đối với hóa trị có vai trò quan trọng trong việc phối hợp điều trị đa phương pháp. Hóa trị ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi giúp trì hoãn được thời gian bắt đầu xạ trị, tránh những biến chứng nghiêm trọng do xạ trị ở trẻ còn quá nhỏ. Điều trị hóa chất theo đợt, giữa các đợt có thời kỳ nghỉ để cơ thể hồi phục.

Tuy nhiên, các phương pháp điều trị có thể có các phản ứng cấp gồm thoát mạch, tăng nhạy cảm và sốc phản vệ, nôn và buồn nôn. Một số biến chứng sớm: viêm loét miệng, rụng tóc, tiêu chảy, táo bón, thay đổi tình trạng dinh dưỡng, suy tủy.