Đau bụng dưới rốn có thể là triệu chứng của những bệnh gì?
Đau bụng dưới rốn là triệu chứng thường gặp trong nhiều bệnh lý, và cũng xảy ra ở tất cả các lứa tuổi. Có những cơn đau là bệnh nhẹ, cũng có cơn đau là bệnh nặng, cần cấp cứu kịp thời, do đó người bệnh tuyệt đối không được chủ quan, coi thường.
Phân chia ổ bụng
Ổ bụng được chia tương đối làm 9 phần, bao gồm:
- Vùng thượng vị (trên rốn): Tương ứng với dạ dày, đại tràng ngang, tuỵ, thuỳ gan trái
- Vùng hạ sườn phải (dưới sườn phải): Tương ứng với tá tràng, túi mật, gan, thận phải
- Vùng hạ sườn trái (dưới sườn trái): Tương ứng với đuôi tụy, lách, thận trái, đại tràng góc lách.
- Vùng quanh rốn: Tương ứng với ruột non
- Vùng mạng sườn phải: Tương ứng với đại tràng lên, niệu quản phải.
- Vùng mạng sườn trái: Tương ứng với đại tràng xuống, niệu quản trái.
- Vùng hạ vị ( dưới rốn): Tương ứng với bàng quang, tử cung, tuyến tiền liệt.
- Vùng hố chậu phải: Tương ứng với ruột thừa, manh tràng, vòi trứng và buồng trứng phải.
- Vùng hố chậu trái: Tương ứng với đại tràng xích ma, vòi trứng và buồng trứng trái.
Đau bụng dưới có thể là triệu chứng của những bệnh nào?
Có rất nhiều bệnh lý gây ra triệu chứng đau bụng. Như phân khu ổ bụng ở phía trên, bạn có thể thấy phía bụng dưới có chứa rất nhiều cơ quan như đại tràng, niệu quản, bàng quang, phần phụ ở nữ giới, tuyến tiền liệt ở nam giới… Vì vậy, khi bất kỳ một cơ quan nào trong bụng dưới có vấn đề đều biểu hiện bằng triệu chứng đau.
Bệnh đường tiêu hóa
Viêm ruột thừa: Là bệnh lý đau bụng dưới cấp tính, cần được chẩn đoán sớm. Triệu chứng điển hình của bệnh là đau bụng âm ỉ.
Cơn đau thường bắt đầu từ vùng quanh rốn sau đó khu trú dần ở vùng hố chậu phải, kèm sốt nhẹ (37,5 – 38 độ C). Nhưng nếu bệnh không được phát hiện kịp thời, khối ruột thừa bị viêm sẽ vỡ và gây viêm phúc mạc ổ bụng, bệnh nhân sẽ đau bụng nhiều, dữ dội khắp bụng, sốt cao hơn.
Viêm đại tràng: Một số bệnh như viêm đại tràng xích ma, viêm đại tràng co thắt; bệnh nhân sẽ thấy đau kiểu quặn bụng, đau âm ỉ, sau mỗi cơn đau có thể thấy muốn đi đại tiện. Đôi lúc có đại tiện ra máu.
Ngoài ra còn một số bệnh như polyp đại tràng, hội chứng ruột kích thích… cũng gây đau bụng.
Bệnh đường tiết niệu
Sỏi niệu quản: Là bệnh rất hay gặp và là nguyên nhân chính gây ra các cơn đau quặn thận. Đây là cơn đau xuất hiện đột ngột, đau dữ dội lan từ thắt lưng xuống hố chậu 2 bên, hạ vị.
Ngoài ra, nếu viên sỏi gây tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu thì có thể gây ra những bệnh lý nguy kịch, cần phải điều trị cấp cứu như vô niệu do sỏi hoặc viêm thận- bể thận. Hầu hết sỏi niệu quản là do sỏi rơi từ trên thận xuống.
Viêm bàng quang: Bệnh điển hình với cảm giác đau tức nặng vùng hạ vị, kèm tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu, có thể có sốt hoặc không.
Bệnh tử cung – phần phụ ở nữ giới
Viêm phần phụ: Nếu là viêm phần phụ cấp tính người bệnh sẽ thấy đau vùng hạ vị, thường đau trội một bên. Kèm theo sốt rét run. Còn với viêm phần phụ mạn tính, người bệnh sẽ thấy vùng hạ vị đau lúc tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi, kèm ra khí hư, thường không sốt.
U nang buồng trứng: Thường gây ra cảm giác đau tức vùng bụng dưới, đau khi giao hợp, đi tiểu khó, đau hoặc ra máu bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt. Trong đó, nếu u nang buồng trứng xoắn sẽ khiến bệnh nhân đau dữ dội và là một bênh lý cần cấp cứu ngay.
Chửa ngoài tử cung: Là bệnh lý thường diễn ra ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, khi phôi thai không phát triển tại tử cung mà lại phát triển tại vòi trứng.
Biến chứng nguy hiểm nhất là chửa ngoài tử cung vỡ khiến người bệnh đau bụng dữ dội, mất máu rất nhiều và nếu không được cấp cứu kịp thời người bệnh có thể tử vong. Do đó, khi phát hiện chậm kinh 7 đến 10 ngày, bạn cần siêu âm để xác định phôi đã nằm trong tử cung hay chưa.
Đau bụng kinh: Người bệnh sẽ thấy đau liên tục và co thắt vùng bụng dưới. Cơn đau có thể diễn ra trước và trong kỳ kinh.
Bệnh tiền liệt tuyến
U xơ tiền liệt tuyến: Là bệnh thường gặp nhất ở nam giới, đặc biệt độ tuổi trung niên trở lên. Tiền liệt tuyến tăng kích thước và ép vào niệu đạo, bàng quang. Bệnh gây ra triệu chứng như tiểu khó, tiểu không hết bãi, tiểu nhiều lần, hạ vị căng tức khó chịu khi đi tiểu.
Khi đau bụng dưới cần phải làm gì?
Trong các bệnh đau bụng dưới gây đau cần phải hết sức đề phòng với những bệnh mang tính chất cấp cứu. Người bệnh không nên tự chẩn đoán, tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và phát hiện kịp thời, không phân biệt nam hay nữ, trẻ con hay người già.
Bác sĩ Mai Ánh Điệp
Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....