Ngày 13/9, Bác sĩ Nguyễn Minh Nghiêm - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân nam 41 tuổi, ở Sóc Trăng bị đinh kirschner (đinh cố định xương dùng trong y tế) đâm xuyên thực quản và khí quản.

Chiếc đinh y tế chọc thủng thực quản, khí quản bệnh nhân.

Được biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng, cổ sưng to, nuốt đau, ho khạc ra máu. Qua thăm khám và làm các cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán xác định có dị vật vùng cổ do đinh kirschner kết hợp xương đòn đâm xuyên thực quản và khí quản.

Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân từng được phẫu thuật kết hợp xương đòn phải do chấn thương khoảng 2 năm về trước.

Ê kíp phẫu thuật gồm ThS.BS. Liêu Vĩnh Đạt, ThS. Nguyễn Hữu Thuyết.... đã phẫu thuật lấy đinh và khâu lại thực quản, khí quản. Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã căn được, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.

Trước đó, gần 1 tháng, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đã mổ rút chiếc đinh từ tủy sống nam bệnh nhân 42 tuổi.

Một chiếc đinh gắn xương đòn được lấy ra khỏi cơ thể.

Trước đó một năm rưỡi, bệnh nhân bị ngã gãy đầu ngoài xương đòn. Sau khi bị nạn, bệnh nhân đã được các bác sĩ phẫu thuật, cố định xương gãy bằng đinh. Sau 6 tháng xương liền, bệnh nghân có tới bệnh viện để rút đinh nhưng vì đinh đã di chuyển sang vị trí khác nên bác sĩ chỉ định bệnh nhân đi kiểm tra lại, ngờ đâu bệnh nhân lại về luôn.

Gần đây, bệnh nhân thấy đau thốn trong người nên đi tái khám lại mới biết chiếc đinh đã tuột ra khỏi xương, di chuyển qua đỉnh phổi và chui vào tủy sống. Theo bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình, rất may bệnh nhân chưa có dấu hiệu yếu, liệt do tổn thương tủy sống.

Sau hội chẩn, bác sĩ hai chuyên khoa chấn thương chỉnh hình cột sống và phẫu thuật lồng ngực tim mạch quyết định mổ nội soi để rút đinh thay vì mổ mở. Sau 20 phút mổ, chiếc đinh được gỡ ra khỏi nhu mô phổi và khỏi tủy sống an toàn.

Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân đã được phẫu thuật kết hợp xương bằng các dụng cụ (đinh, vít...) nên đi tái khám đúng theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Tránh trường hợp không tái khám hoặc tái khám quá muộn (như trường hợp này). Các dụng cụ như đinh, vít nhỏ sẽ di chuyển nhiều nơi đâm xuyên các cơ quan gây nguy hiểm, nếu đâm xuyên các mạch máu lớn còn nguy hiểm tính mạng...