Vừa khỏi bệnh đã phải chăm cả nhà mắc bệnh

Những ngày đầu tháng 9, cả gia đình chị Nguyễn Thu Trang (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) như có “chiến trận”. Nhà có 5 người thì 4 người mắc sốt xuất huyết. Người đầu tiên bị sốt xuất huyết là chị Trang, phải nhập viện cấp cứu, sau đó 3 người lớn trong nhà “rủ nhau” ngã bệnh.

“Thực sự như một cuộc chiến, vừa đi bệnh viện về, chưa lại sức đã phải lao vào chăm cả nhà ốm”, chị Trang cho hay.

Nhiều gia đình tại đang trong tình cảnh tương tự.

Dịch bệnh “vào mùa”, 2-3 bệnh nhân phải nằm chung giường. Ảnh: Thu Hà

Con đột ngột sốt cao giữa đêm, rồi lai hết sốt, chị Thu Hà (Q.Hà Đông, Hà Nội) chủ quan, cho con đi học. Ai ngờ đến cuối buổi học, con chị bị mệt và đến đêm sốt trở lại. Đến ngày thứ ba, con vẫn sốt nhẹ. Đưa con đến bênh viện làm xét nghiệm máu thì nhận kết quả dương tính sốt xuất huyết. Mấy hôm nay, chị đã xin nghỉ làm để trông con.

“Con mới đi học vài tuần đã bệnh. Tôi thực sự lo lắng, mong con nhanh khỏe mạnh để tiếp tục đi học”, chị Hà bày tỏ.

Hiện, bệnh sốt xuất huyết đang trong giai đoạn cao điểm. Tai các bênh viện, số bệnh nhân mắc bệnh này đang tăng mạnh. Điều đáng nói, nhiều bệnh nhân không có dấu hiệu bệnh rõ ràng hoặc vào viện sớm vẫn trong tình trạng cảnh báo nguy hiểm.

 

15 người tử vong do sốt xuất huyết

Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến đầu tháng 8/2019, cả nước ghi nhận gần 125.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 15 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018 (37.243 mắc/9 tử vong) số mắc tăng 3,3 lần, tử vong tăng 6 trường hợp.

Phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách nào?

Theo dự báo, từ nay đến hết tháng 11, tình hình bệnh sốt xuất huyết tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo cách phòng bệnh sốt xuất huyết: “Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết chủ yếu là Aedes aegypti. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tối. Loại muỗi này rất thích trú đậu ở các xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.

Đặc biệt, muỗi Aedes ưa đẻ trứng ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum vại, giếng nước, lọ hoa, chậu cây cảnh, thậm chí ống nước để cắm cờ trên bờ tường… Người dân cần đặc biệt lưu ý điều này”.

Khi nghi ngờ mắc bệnh, người dân hãy đi khám để được phát hiện bệnh và xử lý kịp thời. Ảnh: Thu Hà

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân thực hiện những hành động đơn giản nhưng rất thiết thực để phòng chống dịch.

Cụ thể, nên đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; diệt loăng quăng/ bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa nhỏ; lật úp các vật dụng không chứa nước; loại bỏ vật liệu phế thải như chai lọ, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, bẹ lá; thường xuyên thay nước trong bình hoa; ngủ mắc màn, mặc quần áo dài để phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, phun thuốc, hóa chất diệt muỗi. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám, phát hiện bệnh và và điều trị kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc.

Gia tăng số ca bệnh sốt xuất huyết

Thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong tháng 8/2019, thành phố ghi nhận 7.833 ca, tăng 18% so với tháng 7. Số ca sốt xuất huyết tính đến hết tháng 8 tháng tại TP.HCM là 39.814 ca, tăng 142% so với cùng kỳ năm 2018. Tại một số địa bàn như huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh… có hàng trăm ổ dịch sốt xuất huyết và hơn 900 điểm nguy cơ xuất hiện dịch.