Hiện đang là mùa đông xuân, thời tiết lạnh ẩm, kết hợp với tình trạng ô nhiễm không khí và mật độ dân số đông đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển và lây lan.

Trong năm 2019, cúm là một trong 3 dịch bệnh khiến nhiều người "đứng ngồi không yên", bên cạnh các dịch bệnh sốt xuất huyết, viêm màng não. Mỗi gia đình, đặc biệt các bậc phụ huynh cần nắm được triệu chứng nghi ngờ trẻ bị cúm, cách chăm sóc và phòng bệnh cúm để tránh bệnh lây lan. 

Những triệu chứng ban đầu của cúm

Khoảng 1 đến 5 ngày (trung bình là 2 ngày) sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Sốt cao, thường trên 38 độ, kèm theo cảm giác ớn lạnh
  • Đau đầu
  • Đau mỏi người, đau nhức cơ bắp
  • Viêm long đường hô hấp trên: Ho khan, sổ mũi, chảy nước mũi, đau họng.
  • Các triệu chứng khác: Ăn không ngon miệng, người mệt mỏi, có thể có tiêu chảy.
Các triệu chứng chính của bệnh cúm - Ảnh minh họa: Internet

Sau 4 đến 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần.

Cúm có các thể bệnh nào?

Cúm chưa có biến chứng (cúm nhẹ): Lâm sàng có biểu hiện hội chứng cúm đơn thuần.

Cúm có biến chứng (cúm nặng): Đây là ca bệnh nghi ngờ hoặc xác định kèm theo một trong các biểu hiện sau: 

Có tổn thương ở phổi với biểu hiện suy hô hấp trên lâm sàng (thở nhanh, khó thở) và/hoặc có các biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.

Có các dấu hiệu nặng lên của các bệnh lý mạn tính kèm theo như bệnh phổi, bệnh gan, suy thận, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh về máu.

Những đối tượng dễ mắc cúm:

  • Trẻ em: Dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải
  • Người già trên 65 tuổi
  • Phụ nữ có thai
  • Người lớn mắc các bệnh mạn tính
  • Suy giảm miễn dịch (bệnh nhân đang điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS)

Con đường lây nhiễm cúm

Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch. Bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau: Đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát.

Trẻ em từ 5-9 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh nặng và tỷ lệ tử vong cao ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi, người già và nhóm người có nguy cơ cao.

Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí giọt nhỏ qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa vi rút cúm qua ho, hắt hơi. Vi rút vào cơ thể qua đường mũi họng.

Bệnh cúm lây lan qua đường hô hấp - Ảnh minh họa: Internet

Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý chăm sóc và phòng bệnh cho bé khi đi học trong thời điểm cúm bùng phát thành dịch.

Chăm sóc và theo dõi trẻ em và người lớn mắc bệnh cúm

Hai nguyên tắc điều trị cúm chính là: Chỉ cần điều trị triệu chứng; kháng sinh không có tác dụng diệt virus, và chỉ dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ.

Điều trị cụ thể, bao gồm các hoạt động

Theo dõi nhiệt độ và dùng hạ sốt: Cần phải theo dõi sát nhiệt độ của người bị cm, khoảng 3 đến 4 tiếng cặp lại nhiệt độ 1 lần. Theo dõi khoảng cách giữa các cơn sốt. Nới lỏng quần áo, chườm ấm để làm giảm nhiệt độ. Chỉ dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ C.

Đảm bảo cân bằng nước điện giải: Dùng Oresol cho bệnh nhân uống theo nhu cầu. Ngoài ra có thể uống nước dừa, nước cam thay cho Oresol.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý: Chia nhỏ bữa ăn, cho bệnh nhân ăn đồ lỏng, mềm, dễ tiêu hóa và từng bữa vẫn đảm bảo đủ 4 nhóm chất cần thiết

Theo dõi các triệu chứng đi kèm như thở nhanh, khó thở, mệt nhiều hơn, ăn uống kém, nôn nhiều liên tục.

Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt.

Đeo khẩu trang trong thời gian điều trị để tránh lây nhiễm, người chăm sóc cũng cần đeo khẩu trang và rửa tay sạch sẽ sau khi chăm sóc bệnh nhân.

Trong trường hợp trẻ em hoặc người lớn bị cúm có các dấu hiệu:Sau sốt 12 tiếng, sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc sốt trở lại cùng các triệu chứng đi kèm như thở nhanh, khó thở, mệt nhiều hơn, ăn uống kém, nôn nhiều liên tục... nên đưa người bệnh đi khám tại các cơ sở y tế. 

Phòng bệnh cúm cho người lớn và trẻ em như thế nào?

Phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân nghi nhiễm cúm.

Tăng cường rửa tay.

Tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra.

Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm.

Một trong những cách tốt nhất để phòng bệnh cúm cho cả người lớn và trẻ em là đeo khẩu trang - Ảnh minh họa: Internet

 

Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.

Tiêm phòng vắc xin cúm.

Mọi người đều có khả năng cảm nhiễm cao với bệnh. Tỷ lệ cảm nhiễm với các chủng vi rút cúm mới rất cao, có thể lên tới 90% cả người lớn và trẻ em.

Sau khi bị bệnh, sẽ có miễn dịch đặc hiệu với vi rút gây nhiễm nhưng thời gian miễn dịch thường không bền. Phụ thuộc vào mức độ biến đổi kháng nguyên và số lần bị nhiễm trước đây và không có tác dụng bảo vệ đối với những týp vi rút mới. Miễn dịch có được sau khi khỏi bệnh không bảo vệ được khỏi mắc các biến chủng của vi rút cúm.

Bác sĩ Mai Ánh Điệp

Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội