Công văn hỏa tốc của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế. Ảnh: C.D

Theo đó, Cục này yêu cầu sở y tế các tỉnh, thảnh phố chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương rà soát công tác mua sắm thuốc, đảm bảo cung ứng kịp thời trong trường hợp cần thay thế thuốc đã trúng thầu, chủ động liên hệ với các cơ sở kinh doanh thuốc để được cung ứng.

Các bệnh viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế khẩn trương rà soát công tác mua sắm thuốc, đảm bảo cung ứng kịp thời trong trường hợp cần thay thế thuốc đã trúng thầu, chủ động liên hệ với các cơ sở kinh doanh thuốc để được cung ứng.

Trong trường hợp không lựa chọn được nhà thầu cung ứng thuốc thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi, các cơ sở y tế có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp như: mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu, đấu thầu rút gọn… theo quy định tại Luật Đấu thầu.

Cục Quản lý dược cung cấp thông tin về cơ sở y tế, nhà thầu, thuốc tiêm chứa Bupivacaine trúng thầu năm 2018 -2019 và thông tin về cơ sở sản xuất thuốc chứa Bupivacaine đang được lưu hành tại Việt Nam để các cơ sở y tế liên hệ thực hiện mua thuốc kịp thời, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Các đơn vị sản xuất, nhập khẩu khẩn trương rà soát tình hình tồn kho, đảm bảo cung ứng thuốc, chủ động tăng cường nguồn cung trong trường hợp có nhu cầu thay thế thuốc.

Được biết, Cục Quản lý dược ban hành công văn này là bởi trong những ngày qua, tại Bệnh viện Phụ nữ TP.Đà Nẵng liên tiếp xảy ra những vụ tai biến sản khoa do sử dụng thuốc gây tê tủy sống để mổ lấy thai, khiến một sản phụ tử vong, một sản phụ nguy kịch.

Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng - nơi liên tiếp xảy ra những vụ tai biến sản khoa thời gian qua. Ảnh: S.T

Theo Sở Y tế Đà Nẵng, số thuốc gây tê sử dụng cho 2 sản phụ đều cùng chung một lô, được nhập từ ngày 22/10, có hạn dùng đến tháng 6/2021.

Thuốc gây tê này tên là Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy (sản xuất tại Ba Lan), do Công ty CP Dược phẩm trung ương 1, chi nhánh Đà Nẵng cung ứng.

Trước khi xảy ra vụ việc 2 sản phụ tử vong và nguy kịch ở Đà Nẵng do thuốc gây tê tủy sống Bupivacaine WPW Spinal 0,5 Heavy, nhiều tỉnh thành đã lên tiếng phản ánh về hiệu quả của loại thuốc này.

Tính đến nay, đã có 7 tỉnh, thành phố trên cả nước phản ánh về tình trạng không đảm bảo chất lượng của loại thuốc gây tê tủy sống Bupivacaine WPW Spinal 0,5 Heavy.

Cụ thể, tháng 4/2019, Sở Y tế TP.Cần Thơ đã gửi công văn đến Cục Quản lý dược đề nghị thay thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5 Heavy bằng thuốc gây tê trước đây của Pháp là Bupivacaine for spinal anaesthesia Aguettant 5mg/ml.

Tháng 7/2019, Sở Y tế TP.Hà Nội đã có báo cáo Cục Quản lý dược: Bupivacaine WPW không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đối với chỉ tiêu, tính chất độ trong (có dị vật lơ lửng).

Mới đây nhất, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi cũng lên tiếng về chất lượng của thuốc gây tê tủy sống Bupivacaine WPW Spinal 0,5 Heavy. Theo đó, loại thuốc này gây ra những phản ứng như mạch nhanh, tụt huyết áp kéo dài, hiệu quả giảm đau không tốt…