Gừng là loại cây thảo, sống dai, có thân rễ nạc và phân nhánh xòe ra như hình bàn tay, mang nhiều chồi, từ đó phát ra những thân cao 80-100 cm. Lá thuôn hình ngọn giáo, dài 20-30 cm, mọc thẳng lên, hoa vàng xanh, mép tím, quả mọng.

Gừng gốc ở Ấn độ và Malaysia, hiện có ở tất cả các nước vùng nhiệt đới. 

Ở nước ta, gừng được trồng khắp mọi nơi. Ngay từ thời đại các Vua Hùng (2879-287 trước Công nguyên) tổ tiên ta đã dùng gừng ăn với thịt chim, cá, ba ba cho đỡ lạnh, dễ tiêu. Từ đó người dân đã biết dùng gừng, hành, tỏi, ớt, tía tô làm gia vị ăn hàng ngày để phòng bệnh. 

Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết trong gừng chứa tinh dầu 2-3%, nhựa dầu 5%, dầu mỡ 3,7%, tinh bột, chất cay (Zingeron, Zingerol, Sogal).

Gừng sống (sinh khương) có vị cay, tính hơi ấm, tác dụng chống lạnh, tiêu đờm, chặn nôn, giúp tiêu hóa. Gừng nướng cháy (thán khương) trị đau bụng lạnh dạ đi ngoài. Gừng khô (can khương) có tác dụng tán hàn, trị cảm lạnh, thổ tả. Vỏ gừng (khương bì) có tác dụng tiêu phù thũng (lợi tiểu).

Trong Đông y, gừng là thành phần của nhiều bài thuốc chữa các bệnh cảm lạnh, tiêu đờm, trị ho, đau bụng...

Một số bài thuốc từ gừng:

7 lát gừng tươi, 7 củ hành, một bát nước sắc, uống nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi chữa cảm nóng, cảm lạnh, cảm gió hoặc sốt.

7 lát gừng tươi, một thìa trà tầu, một quả chanh tươi, một thìa rượu mạnh, một thìa mật ong sắc uống, trị cảm, ho, khó thở.

Gừng nướng kỹ, gọt sạch, thái nuốt, ngậm nuốt nước trị sốt rét, ho có đờm. Gừng tươi sắc nước trị đau bụng, trướng bụng.

Gừng tươi giã đắp chữa chấn thương, đau ngực. Có nhiều người phải đi làm từ sáng sớm, đôi khi bị gió độc làm ngất xỉu hoặc mệt mỏi. Để đề phòng trúng gió độc, trước khi ra ngoài nên uống một hớp rượu tốt (hoặc rượu ngâm thuốc) hoặc dùng gừng một miếng, nhai ngậm nuốt dần.

Những người có tạng nóng, hay lở miệng, táo bón, người nhiều mồ hôi hoặc đang ra mồ hôi thì không nên ăn gừng. Lương y Sáng lưu ý, ăn nhiều gừng, thời gian lâu có thể bị toét mắt, chảy nước mắt sống.