Cà rốt là một nguồn cung cấp beta carotene, một loại carotenoid mà cơ thể chuyển hóa thành vitamin A. Vitamin A có tác dụng thiết yếu trong việc nâng cao khả năng nhìn, tăng sức đề kháng và giữ cho các tế bào luôn trong tình trạng tốt.

Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, cà rốt cũng chứa các vitamin và khoáng chất khác như vitamin C, vitamin K, folate, kali, magie, mangan và sắt. Cà rốt cũng là một nguồn chất xơ tốt, giúp hỗ trợ tiêu hóa và kiểm soát đường huyết. Một số tác dụng của cà rốt cho sức khỏe là:

Hỗ trợ kiểm soát đường huyết

Cà rốt có chỉ số đường huyết (GI) thấp, giúp kiểm soát lượng đường trong máu, ngăn ngừa kháng insulin và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Chất xơ trong cà rốt giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, duy trì mức đường huyết ổn định.

Cà rốt giúp ổn định huyết áp

Những người bị huyết áp cao lưu ý nên bổ sung cà rốt vào chế độ ăn uống hàng ngày của mình. Một nghiên cứu đã rút ra tiêu thụ một cốc nước ép cà rốt khoảng 300 – 400 ml sẽ giúp làm giảm 5% huyết áp tâm thu.

Ảnh minh họa: Internet

Cải thiện sức khỏe tiêu hóa, giải độc gan

Chất xơ trong cà rốt giúp tăng khối lượng phân, ngăn ngừa táo bón và thúc đẩy nhu động ruột. Cà rốt cũng chứa các prebiotic, là thức ăn cho lợi khuẩn đường ruột, giúp duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh. Ngoài ra, cà rốt chứa glutathione, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp gan loại bỏ độc tố và bảo vệ gan khỏi tổn thương. Các flavonoid và beta-carotene trong cà rốt cũng hỗ trợ chức năng gan và ngăn ngừa các bệnh gan.

Giảm nguy cơ mắc ung thư

Cà rốt được biết đến với hàm lượng phytochemical cao, một chất đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về khả năng chống lại bệnh ung thư. Hợp chất beta-carotene cùng với các carotenoid khác trong cà rốt có khả năng tăng cường hệ miễn dịch và kích thích các protein ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng nước ép cà rốt có hiệu quả trong việc đối phó với bệnh bạch cầu.

Cà rốt tăng cường thị lực

Beta-carotene trong cà rốt được chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành rhodopsin, sắc tố cần thiết cho thị lực ban đêm. Lutein và zeaxanthin, hai chất chống oxy hóa mạnh mẽ trong cà rốt, giúp bảo vệ mắt khỏi tác hại của ánh sáng xanh và thoái hóa điểm vàng, nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người cao tuổi.

Ảnh minh họa: Internet

Tác hại khi ăn quá nhiều cà rốt

Tuy cà rốt là thực phẩm bổ dưỡng, mang lại nhiều tác dụng và lợi ích đối với cơ thể, nhưng việc chúng ta lạm dụng quá nhiều và trong thời gian dài, sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe.

Việc sử dụng cà rốt quá thường xuyên sẽ khiến cơ thể bị thừa vitamin A, gây ra bệnh vàng da. Đặc biệt, với phụ nữ mang thai, thừa Vitamin A có thể gây nguy cơ dị dạng thai nhi.

Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ ăn quá nhiều cà rốt, dung nạp một lượng lớn Carotenoid có thể gây vô kinh, ức chế sự rụng trứng, giảm chức năng rụng trứng bình thường.