COVID-19 tới 6 giờ sáng 13/10: Thế giới vượt 38 triệu ca bệnh; Châu Âu bùng đợt dịch mới
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 13/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 38.022.025 ca, trong đó có 1.085.025 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 28.569.211 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 68.975 ca và 8.367.789 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 12/10, thế giới có tới 143 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 94 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ. Dịch đang chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Châu Âu hiện đối mặt với vòng xoáy dịch bệnh mới.
Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (54.045 ca), Mỹ (43.306 ca) và Ảnh (13.972 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 710 ca), Argentina (318 ca), Mỹ (310 ca) và Iran (với 272 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đối mặt với đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 8.035.304 ca mắc và 220.005 ca tử vong. Ngày 12/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin và Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows đã kêu gọi quốc hội lưỡng viện sớm thông qua dự luật cứu trợ liên quan đến đại dịch COVID-19 bằng cách sử dụng số tiền còn lại từ Chương trình Bảo vệ tiền lương, trong bối cảnh các cuộc thương lượng về một gói cứu trợ toàn diện hơn vẫn đang gặp khó khăn.
Trong một thông cáo bằng văn bản cùng ngày, Bác sĩ riêng của Nhà Trắng Sean Conley cho biết Tổng thống Trump đã có kết quả âm tính với COVID-19 từ cuối tuần trước, tức là khoảng 1 tuần sau khi ông xuất viện, và hiện không còn biểu hiện bệnh nữa.
Ấn Độ là nước chịu ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng thứ hai thế giới và đứng đầu châu Á - với 7.173.345 ca mắc và 109.894 ca tử vong. Mặc dù số ca nhiễm mới ở nước này tiếp tục giảm, ghi nhận 54.045 ca trong 24 giờ qua, nhưng đây vẫn là mức cao so với nhiều nước khác.
Ngày 12/10, Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá 6,6 tỷ USD để kích thích nhu cầu tiêu dùng, trong đó có việc trả trước một phần tiền lương cho nhân viên chính phủ liên bang trong mùa lễ hội sắp tới và tăng chi tiêu vốn, nhằm tạo động lực phục hồi nền kinh tế.
Đứng thứ ba thế giới và đứng đầu khu vực Nam Mỹ là Brazil, với 5.103.408 ca mắc và 150.689 ca tử vong. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế nước này, số ca nhiễm đang có chiều hướng giảm trên cả nước. Trong bối cảnh đó, bang Sao Paulo, địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất, đang tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội với việc cho phép mở cửa trở lại các rạp chiếu phim, nhà hát và viện bảo tàng. Bang Rio de Janeiro cũng đã khôi phục hầu hết các hoạt động kinh tế, các hoạt động thể thao ngoài trời, cũng như cho phép học sinh các cấp trở lại lớp học.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại châu Âu tiếp tục diễn biến dịch bệnh phức tạp. Nga là quốc gia đứng thứ tư thế giới, nhưng đứng đầu châu Âu về số ca nhiễm. Theo thống kê mới nhất, Nga đã ghi nhận 1.312.310 ca mắc COVID-19, trong đó 22.722 ca tử vong. Chỉ trong 24 giờ qua số ca nhiễm mới tại nước này được ghi nhận là 13.592 ca.
Mặc dù số ca nhiễm mới vẫn cao, song Nga tuyên bố sẽ không đề xuất phương án cách ly, mà chỉ yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện phương án "làm việc từ xa", do đây là phương án nhẹ nhàng nhất không buộc một thành phần kinh tế nào phải đóng cửa để chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang bùng phát trở lại tại nước này.
Các nước có số ca mắc cao tại châu Âu sau Nga là Tây Ban Nha, Pháp và Anh, với tổng số ca mắc lần lượt là 890.367; 734.974 và 603.716 ca. Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết không loại trừ khả năng phong tỏa cục bộ tại Pháp. Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ áp đặt bổ sung biện pháp hạn chế ở cấp độ 3 tại nhiều khu vực của England để phòng dịch.
Tại cuộc họp diễn ra cuối tuần qua, các bộ trưởng hàng đầu trong Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhất trí rằng nước này đang ở giai đoạn đại dịch COVID-19 nghiêm trọng và việc hành động ngay lập tức có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Theo người phát ngôn của thủ tướng, nội các Anh đã nhất trí rằng: "Chúng ta đang ở giai đoạn đỉnh điểm (của dịch bệnh) khi đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai. Việc áp dụng ngay lập tức các biện pháp khẩn cấp nhằm giảm tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh là rất quan trọng".
Hiện số ca mắc mới tại Anh đang tăng nhanh trở lại và virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang chuyển hướng tấn công từ những nhóm đối tượng thanh niên sang những người già hơn ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thực tế này buộc giới chức Anh phải cân nhắc đưa ra một loạt quy định chống dịch mới, bao gồm cả việc trao nhiều quyền hạn hơn cho chính quyền các địa phương trong việc theo dõi và truy vết những ca nhiễm mới. Ngoài ra, Chính phủ Anh cũng kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm túc những quy định như rửa tay, đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc xã hội.
Cũng liên quan đến dịch bệnh, ngày 12/10, Bộ trưởng Giáo dục Anh Gavin Williamson cho biết tất cả học sinh các trường tại vùng England sẽ vẫn tham gia kỳ thi kết thúc năm học vào mùa Hè năm 2021, nhưng sẽ chậm lại 3 tuần nhằm bù thời gian học bị gián đoạn do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Theo ông, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã gây gián đoạn chương trình học tập của các trường. Vì vậy, việc cho học sinh và giáo viên thêm thời gian để chuẩn bị là cần thiết. Theo kế hoạch, một loạt các kỳ thi cuối kỳ của sinh viên sẽ diễn ra từ 7/6 và kết thúc vào 2/7 năm sau. Dự kiến kết quả sẽ được công bố từ ngày 24 - 27/8/2021.
Tại khu vực Trung Đông, Iran là quốc gia có số ca nhiễm mới cao nhất, với 504.281 ca, trong đó có 28.816 ca tử vong. Ngày 12/10 ghi nhận số ca tử vong cao nhất tại nước này - 272 ca. Sau Iran là Israel, với 291.828 ca nhiễm và 1.983 ca tử vong.
Trong khi đó, tại châu Á, một số nước đang tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc mới tại nhiều nước tăng mạnh.
Tại Hàn Quốc, mặc dù đã ban hành quyết định nới lỏng việc giãn cách xã hội, nhưng chính phủ nước này vẫn sẽ duy trì các biện pháp nghiêm ngặt nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, chính phủ quyết định điều chỉnh các quy định giãn cách xã hội xuống mức thấp nhất do tin tưởng nước này có thể khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Trong nhiều ngày qua, số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc đều dưới mức 100. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý người dân không nên chủ quan, tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch, bằng chứng là số ca nhiễm mới đã đột ngột tăng cao trở lại như thời gian vừa qua.
Một trong những thông tin tích cực trong ngày 12/10, các nhà khoa học tại Hong Kong (Trung Quốc) thông báo một loại thuốc kháng khuẩn thường dùng trong điều trị viêm loét dạ dày đã cho thấy kết quả hứa hẹn trong chống lại virus SARS-CoV-2 trên động vật.
Qua thử nghiệm trên chuột lang, các nhà khoa học phát hiện thấy một trong những loại thuốc kim loại là ranitidine bismuth citrate (RBC), là "tác nhân kháng virus SARS-CoV-2 tiềm năng". Chuyên gia Runming Wang tại Đại học Hong Kong cho biết thuốc RBC có thể làm giảm 10 lần lượng virus trong phổi của chuột lang bị nhiễm bệnh.
Cùng ngày, hãng dược phẩm hàng đầu Hàn Quốc Celltrion cho biết sẽ tiến hành thêm các thử nghiệm lâm sàng đối với loại thuốc điều trị COVID-19 do hãng này phát triển. Theo đó, thuốc CT-P59 sẽ được cấp cho hơn 1.000 người, trong đó có các bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng và những người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19.
Hiện CT-P59 đang trải qua các cuộc thử nghiệm giai đoạn 2 và 3 ở Hàn Quốc và nước ngoài. Celltrion cho biết họ đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 đối với 32 tình nguyện viên trong nước và không phát hiện dấu hiệu bất thường nào.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 12/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 8.745 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 19.200 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia và Myanmar. Philippines vẫn dẫn đầu các nước thành viên hiệp hội về tổng số ca mắc bệnh. Singapore có ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 sau nhiều tháng.
Indonesia là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca tử vong mới cao nhất khu vực. Indonesia tới hết ngày 12/10 cũng dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các quốc gia khác.
Malaysia tình hình đáng quan ngại hơn, nguy cơ làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi ghi nhận trên 350 ca bệnh phát sinh và 6 ca tử vong sau nhiều ngày bình yên.
Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên này hiện rất đáng quan ngại với 1.340 ca bệnh mới và 18 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 19.215 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 123 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 788.178 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 635.631 trường hợp.
An ninh tại các cửa khẩu biên giới ở 10 tỉnh của Thái Lan được thắt chặt hơn nhằm chống các trường hợp nhập cư trái phép. Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan cho biết các tỉnh biên giới sẽ được thắt chặt an ninh, cũng như giao nhiệm vụ cho các tỉnh trưởng và quận trưởng giám sát chặt chẽ tình hình. Ngoài ra, các cuộc tuần tra dọc theo biên giới cũng đã được tăng cường để ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp từ Myanmar, nơi số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob thông báo từ ngày 14/10 - 27/10, Malaysia sẽ áp đặt một số hạn chế di chuyển tại thủ đô Kuala Lumpur và bang Selangor lân cận. Theo ông Yaakob, chính phủ sẽ hạn chế nhiều hoạt động từ đi học, đi đến các điểm tôn giáo cho đến chơi thể thao. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động kinh tế tại Selangor, các vùng Kuala Lumpur và Putrajaya sẽ được phép diễn ra như bình thường. Dự kiến, chính phủ cũng sẽ mở rộng các biện pháp hạn chế sang toàn bộ bang Sabah.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Cùng ngày, Brunei, Campuchia và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 12/10.
Ngày 12/10, Bộ trưởng y tế Nam Phi Zweli Mkhize cảnh báo mặc dù Nam Phi đã đạt được một số thành công nhất định trong công tác ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, một làn sóng dịch thứ 2 có thể ập đến bất cứ lúc nào nếu người dân nước này có những hành động chủ quan hay tự mãn.
Phát biểu trước báo giới cùng ngày, Bộ trưởng Mkhize nêu rõ cho dù đến thời điểm hiện tại chưa xuất hiện những dấu hiệu cho thấy một làn sóng dịch thứ 2 có thể xảy ra tại nước này nhưng điều đó không có nghĩa là người dân có thể lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng dịch. Do vậy, ông Mkhize yêu cầu người dân tiếp tục tuân thủ nghiêm túc các biện pháp vệ sinh dịch tễ nhằm ngăn chặn một làn sóng dịch tiếp theo có thể xảy.
Mặc dù là quốc gia có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất châu Phi với hơn 693.359 trường hợp tính đến ngày 12/10, trong đó có 17.863 ca tử vong, số ca mắc mới tại quốc gia phát triển nhất châu lục này đã giảm dần trong hơn 2 tháng qua. Từ quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ 5 toàn cầu hồi tháng 6, Nam Phi hiện đã không còn nằm trong danh sách 10 nước có nhiều người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất thế giới.
Cùng ngày, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phản đối những đề xuất của một số người khi để cho COVID-19 lây lan với hy vọng có thể có được cái gọi là miễn dịch cộng đồng, cho rằng điều này "trái đạo đức".
Trả lời họp báo trực tuyến, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Chưa bao giờ trong lịch sử y tế công cộng, miễn dịch cộng đồng được sử dụng như một chiến lược để đối phó với một đợt bùng phát dịch bệnh, huống hồ là một đại dịch. Điều này có vấn đề về khoa học và đạo đức. Việc cho phép một virus nguy hiểm mà chúng ta chưa hiểu rõ hoàn toàn lây lan tự do rõ ràng là trái đạo đức. Đó không phải là một lựa chọn".
Trước đó cùng ngày, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Soumya Swaminathan cho biết hơn 180 quốc gia đã cam kết tham vào nỗ lực của WHO nhằm tài trợ để các loại vaccine phòng COVID-19 được phân phối một cách công bằng tới các nước giàu và nghèo.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...