Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 12/10 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 37.736.120 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.081.246 ca tử vong. Có hơn 28,34 triệu bệnh nhân hồi phục, tuy nhiên vẫn còn khoảng 1% số bệnh nhân COVID-19 đang phải điều trị tích cực.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 7.991.999 ca mắc và 219.695 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 7.119.300 ca mắc và 109.184 ca tử vong, Brazil với 5.094.979 ca mắc và 150.506 ca tử vong.
Ngày 11/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố bản thân ông miễn dịch với COVID-19 trong bối cảnh chuẩn bị trở lại cuộc đua tranh cử và quyết tâm giành lại lợi thế trước đối thủ Joe Biden.
Trả lời phỏng vấn kênh Fox News, một ngày sau khi bác sĩ xác nhận ông Trump không còn nguy cơ lây nhiễm căn bệnh này, nhà lãnh đạo Mỹ nói: "Có vẻ tôi đã miễn dịch, tôi không biết, có thể là một thời gian dài, có thể thời gian ngắn, có thể là cả đời, không ai biết chắc được, nhưng tôi đã được miễn dịch".
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin và Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows đã kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cứu trợ COVID-19 bằng cách sử dụng số tiền còn lại từ chương trình bảo vệ tiền lương, trong bối cảnh các cuộc thương lượng về một gói cứu trợ toàn diện hơn đang tiếp tục.
Trong bức thư gửi các thành viên Thượng viện và Hạ viện Mỹ, hai quan chức này nhấn mạnh rằng Nhà Trắng sẽ tiếp tục thương lượng với lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, song Quốc hội cần "bỏ phiếu ngay lập tức về một dự luật" cho phép sử dụng ngân sách chưa được dùng đến của Chương trình Bảo vệ Tiền lương, trong khi nỗ lực hướng tới một gói cứu trợ lớn hơn.
Bức thư có đoạn: "Cách tiếp cận 'được ăn cả, ngã về không' là một phản ứng không thể chấp nhận được đối với người dân Mỹ".
Ít nhất 20 thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa cho biết họ phản đối lời đề nghị trị giá 1,8 nghìn tỷ USD của Nhà Trắng dành cho bà Pelosi về một gói cứu trợ mang tính thỏa hiệp.
Tại châu Âu, Phó cố vấn y tế của Chính phủ Anh - ông Jonathan Van-Tam ngày 11/10 cho biết nước này đang ở "bước ngoặt" của khủng hoảng COVID-19 và kêu gọi cần phải nhanh chóng hành động ngay lập tức để tránh lịch sử "lặp lại lần nữa", ám chỉ làn sóng COVID-19 lần thứ nhất của nước Anh xảy ra hồi cuối tháng 3 vừa qua.
Ông Van Tam cho biết với bối cảnh mùa Đông thời tiết lạnh, cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh, trong tuần từ ngày 5-11/10 số ca mắc mới COVID-19 tại Anh là khoảng 224.000 người, gần gấp đôi so với số ca mắc trong tuần trước đó.
Ông Van Tam cảnh báo COVID-19 được cho sẽ tiếp tục lây lan nhanh trên khắp nước Anh chứ không chỉ ở phía bắc vùng England như hiện nay.
Cũng chung quan ngại đó, Thị trưởng thủ đô Moskva, ông Sergei Sobyanin thừa nhận thành phố này một lần nữa phải đối mặt với đại dịch COVID-19.
Ông Sobyanin cho biết: “Các bệnh viện ngày càng chật kín bệnh nhân, số bệnh nhân nặng ngày càng tăng – phải chăm sóc đặc biệt, thở máy.
Ngay tỷ lệ tử vong cũng bắt đầu tăng trở lại”. Theo ông Sobyanin, việc tiêm phòng cho người dân Moskva có thể bắt đầu sau vài tháng nữa, nhưng hiện tại cần phải vượt qua giai đoạn này mà không để tổn thất về người.
Trước đó, thủ đô Moskva đã ghi nhận con số kỷ lục về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 kể từ giữa tháng 5. Tính đến sáng 11/10, Moskva đã ghi nhận thêm 4.501 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số người mắc COVID-19 ở thành phố này lên tới 330.418 người.
Thị trưởng Sobyanin cũng đã ký sắc lệnh buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động chuyển không dưới 30% nhân viên sang làm việc từ xa. Sắc lệnh này đã được công bố trên trang web của thị trưởng.
Chế độ làm việc từ xa bắt đầu từ ngày 5-28/10. Ngoài ra, tất cả người lao động trên 65 tuổi, cũng như người mắc bệnh mãn tính cũng được chuyển sang làm việc từ xa, trừ những người mà sự có mặt tại văn phòng là không thể thiếu.
Theo ông Sobyanin, yêu cầu chuyển sang làm việc từ xa không áp dụng cho các tổ chức y tế, doanh nghiệp quốc phòng, Tập đoàn hạt nhân Nga - Rosatom, Tập đoàn Vũ trụ Nga - Roskosmos và một số ngành công nghiệp chiến lược khác.
Liên quan công tác phòng ngừa dịch bệnh, Viện Nghiên cứu Sinh học của Israel thông báo sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trên người từ ngày 21/10. Hiện Viện đang chờ Ủy ban Helsinki phê duyệt các nghiên cứu và thử nghiệm trên người.
Dự kiến, kế hoạch thử nghiệm sẽ chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn đầu tiên sẽ đánh giá hiệu quả vaccine sau khi tiêm trên 100 người khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 50.
Giai đoạn thứ 2 sẽ được tiến hành vào tháng 12, thử nghiệm và tính toán độ an toàn và hiệu quả của vaccine sau khi tiêm thử nghiệm trên hàng nghìn tình nguyện viên.
Nếu thu được kết quả khả quan, giai đoạn 3 dự kiến sẽ được tiến hành trên khoảng 30.000 người tình nguyện từ tháng 1/2021.
Tính đến tối 11/10, Bộ Y tế Israel xác nhận thêm 514 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 290.493 kể từ khi đại dịch bùng phát. Cho đến nay đã có 1.980 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 tại Israel.
Trong một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Virology, các nhà khoa học Australia đã phát hiện ra virus SARS-CoV-2 có thể sống tới 28 ngày trên các bề mặt như màn hình điện thoại di động và máy ATM.
Các nghiên cứu trước đó cho thấy virus gây ra đại dịch COVID-19 có thể tồn tại trong không khí trong tối đa 3 giờ đồng hồ và trên bề mặt nhựa và thép không gỉ trong tối đa 3 ngày. Nhưng nghiên cứu mới của các nhà khoa học Australia cho thấy virus tồn tại nguyên vẹn trên hầu hết các bề mặt trong khoảng 6 đến 7 ngày.
Ông Trevor Drew - Giám đốc Trung tâm Ứng phó Dịch bệnh Australia cho biết nhóm nghiên cứu đã sử dụng cùng một lượng virus có thể tìm thấy ở một người bị nhiễm bệnh trong các cuộc thử nghiệm.
Giáo sư Drew nói: “Những gì chúng tôi phát hiện ra là ngay cả sau hai tuần, vẫn còn rất nhiều virus còn sống trên các bề mặt đó có khả năng lây nhiễm sang một ai đó. Từ đó, chúng tôi có thể ngoại suy rằng ngay cả bộ đồ ăn trong nhà hàng cũng là một nguồn lây nhiễm tiềm ẩn vì dao, kéo căt thường được làm bằng thép không gỉ."
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, thậm chí virus SARS-CoV-2 còn được phát hiện sau một tháng trên một số bề mặt như thủy tinh và tiền giấy. Ngoài ra, virus có thể tồn tại lâu hơn trên tiền giấy hơn là trên tiền polymer./.