Con trai chị Lâm Huyền Minh, 14 tuổi, đang học lớp 9 tại một trường THCS ở TP.HCM, trước đây vốn rất nghe lời cha mẹ. Từ lúc 12 tuổi, khi bước vào giai đoạn dậy thì, cậu bé bắt đầu thay đổi tính tình khiến vợ chồng chị Minh nhiều lần thấy phiền lòng. 

“Con hay cãi lời cha mẹ, thích làm theo ý mình. Nhiều lúc con còn có suy nghĩ, việc làm như một đứa trẻ dù bề ngoài cao gần 1m70”, chị Minh chia sẻ.

 

 
 

Từng là đứa trẻ ngoan nhưng đến tuổi vị thành niên, con trai chị Minh thường cãi lại cha mẹ. Ảnh minh họa.

Chị Minh kể, khoảng hơn 1 năm qua, con trai chị thường nói trống không với người lớn, thậm chí khi tắm xong không chịu mặc quần áo ngay mà ở truồng chạy khắp nhà. Nhìn con trai có dáng hình của 1 cậu thanh niên mà hành động như đứa trẻ, vợ chồng chị Minh nhiều lần nhắc nhở, nhẹ nhàng khuyên bảo không nên làm như vậy thì nghe con đáp lại: "Con làm vậy đâu có ai nhìn thấy". Hay có khi cậu bé lại nói: "Con thích làm gì kệ con, sao nói nhiều quá". Cũng có khi cậu bé dạ vâng, nhưng lần sau tiếp tục tái diễn. Những điều này khiến vợ chồng chị Minh rất buồn, không hiểu vì sao con lại như vậy. 

Dịp nghỉ hè vừa qua, cậu bé được cha mẹ cho về quê chơi với ông bà nội hơn 1 tháng. "Trước khi đưa con về quê, tôi đã nhiều lần nói chuyện với con, rằng về quê có ông bà và nhiều người lạ thì nên lễ phép, kín đáo. Vậy mà con vẫn như cũ", giọng chị Minh rầu rĩ.  

Nhiều lần thấy cháu nội nói chuyện không có chủ ngữ, vị ngữ, bị người lớn nhắc là lầm lý, cãi lý rồi có hành động "giận cá chém thớt", mẹ chồng chị Minh vốn là một nhà giáo nghỉ hưu không vừa lòng. Bà nhiều lần gọi điện cho con dâu mắng là không biết dạy con và muốn đưa cháu nội về quê cho mình rèn lại. Do hai vợ chồng chỉ sinh 1 con, vợ chồng chị Minh không đồng ý với yêu cầu này khiến mẹ chồng - nàng dâu xảy ra mâu thuẫn. 

Mới đây, chị Minh đã chia sẻ những điều trên kèm lo lắng của mình về con trai lên một hội nhóm có nhiều cha mẹ có con tuổi dậy thì tham gia. Rất nhiều người cũng than phiền rằng, khi bước vào tuổi dậy thì con họ cũng thay đổi tính cách như con trai chị Minh.

Trong đó, có một người mẹ cho biết, vì con thay đổi tính cách từ ngoan sang hư quá nhanh khiến chị không kịp thích ứng nên đã có nhiều việc làm mất kiểm soát với con. Tuy nhiên, sau khi tìm đọc các thông tin về tâm sinh lý trẻ tuổi dậy thì, chị đã hiểu con hơn. Chị khuyên chị Minh nên làm theo cách của mình để giúp con trai vượt qua "tuổi nổi loạn" một cách nhẹ nhàng hơn.

Dù lớn nhanh và có nhiều thay đổi, nhưng ở tuổi dậy thì trẻ vẫn luôn cần cha mẹ giúp đỡ. Ảnh minh họa.

Cha mẹ hãy giúp con vượt qua “tuổi nổi loạn” lành mạnh

Theo bác sĩ Thái Thanh Thủy, Trưởng khoa Tâm lý trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), khi trẻ bước vào tuổi dậy thì (tuổi vị thành niên) sẽ có những thay đổi đột ngột, nhanh chóng về cơ thể lẫn tâm sinh lý. Đôi khi, chính trẻ cũng không bắt nhịp kịp với những thay đổi của bản thân và một số trẻ mặc dù có hình dáng bên ngoài giống như người lớn nhưng về mặt tâm lý, xã hội thì vẫn còn rất trẻ con, như con trai chị Minh chẳng hạn.

Dù vậy, bác sĩ cho rằng, sự thay đổi này có tính đột phá quan trọng trong cuộc đời con người và chỉ là những khó khăn tạm thời, trẻ có thể khắc phục được.

Khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ thường có xu hướng tự đánh giá mình cao hơn so với hiện thực, thích thổi phồng những khả năng của bản thân và xem mình là rốn vũ trụ. Điều này thể hiện qua cách trẻ tự lựa chọn kiểu tóc, cách ăn mặc, tác phong, cử chỉ, lời nói, sở thích riêng... mà không muốn có sự can thiệp của người lớn. Vì vậy, nếu cha mẹ không hiểu thì sẽ có những khoảng cách với con. 

Bác sĩ Thủy cho rằng, ở tuổi dậy thì, trẻ không muốn quấn quýt với cha mẹ như lúc nhỏ, nhưng trong thâm tâm các em vẫn luôn luôn cần sự giúp đỡ, chở che của gia đình. Bác sĩ Thủy khuyên, cha mẹ cần làm bạn với trẻ, tôn trọng tính độc lập của trẻ, giáo dục giới tính và tập dần khả năng xử lý tình huống cho trẻ thì sẽ giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng này, từ đó giúp chính bản thân mình hiểu con hơn. 

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung, Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP.HCM) cũng đồng tình với ý kiến trên và cho biết, từng gặp nhiều cha mẹ gọi điện đến than phiền rằng vì sao lúc nhỏ con là đứa trẻ ngoan, vâng lời nhưng lớn lại hư, giống như con chị Minh. Sau khi nói chuyện với phụ huynh, bà Dung nhận ra, đa số cha mẹ đều có điểm chung là đặt câu hỏi cho con quá nhiều, không đánh giá cao những cố gắng của con, luôn chỉ trích, phàn nàn và làm mọi cách để thay đổi ý kiến của con. Bà Dung cho rằng, việc cha mẹ cố gắng làm những điều này với một đứa trẻ đang trong độ tuổi ương bướng là chưa đúng, sẽ chỉ khiến trẻ trả lời qua loa, sau đó lại tiếp tục tái diễn.

Bà Dung phân tích, khi bước vào tuổi dậy thì, cơ thể trẻ lớn lên rất nhanh, có sự thay đổi trong hoạt động của hệ nội tiết và đáng chú ý nhất đó là sự phát dục. Lúc này, các đặc điểm sinh dục phát triển, tuyến sinh dục của trẻ cũng bắt đầu hoạt động. Ở giai đoạn này, các em cũng rất nhạy cảm với những đánh giá của mọi người xung quanh, nên đôi khi chỉ là những thành công nhỏ được người khác quá chú ý cũng dễ tạo cho trẻ sự tự cao. Trái lại những thất bại nhỏ nếu bị dè bỉu cũng có thể gây cho các em nhụt chí, tự ti. Phần khác, bản thân trẻ nghĩ mình đã lớn, đã nhận thức được đúng sai nên không muốn sự chăm sóc quá tỉ mỉ, quan tâm quá mức của cha mẹ, mà chỉ muốn người lớn tôn trọng ý kiến của mình hơn. Chính điều này làm nhiều cha mẹ chưa hiểu con đã nghĩ rằng con hư, không ngoan như trước.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung cũng cho rằng, trong quá trình phát triển tâm sinh lý, trẻ cần có cơ hội để trải nghiệm cả những thành công lẫn thất bại để rút ra bài học và trưởng thành hơn. 

Thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã tiếp nhận cấp cứu cho nhiều trường hợp trẻ tuổi dậy thì tự tử sau khi bị người lớn la mắng hay cấm đoán cực đoan. Vì vậy, bà Thủy cho rằng, cha mẹ nên động viên, khích lệ tinh thần con, tạo cơ hội cho trẻ cảm thấy được tin tưởng, đồng thời vẫn không ngừng quan sát, dõi theo, đồng hành cùng con để có thể phát hiện những bất thường, giúp con điều chỉnh kịp thời. Việc la mắng, chỉ trích, ép trẻ phải ngoan, lúc nào cũng nghe lời người lớn thường chỉ phản tác dụng.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Bị cấm yêu, nữ sin