Nhiều gia đình gặp khó khăn khi con nghỉ Tết, bố mẹ vẫn còn đi làm. Ảnh: Pexels.

“Một tuần nay, tôi lo sốt vó, đau đầu vì không tìm được nơi gửi con cận Tết”, chị Hoàng Ngọc - 32 tuổi, sống tại quận Hà Đông, Hà Nội - chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Tại Hà Nội, từ ngày 26/1, tất cả trẻ mầm non, tiểu học tại Hà Nội sẽ bắt đầu nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Song ở một số trường tư thục - nơi con chị Ngọc theo học - trẻ sẽ được nghỉ sớm hơn. Trong khi con háo hức với kỳ nghỉ này, vợ chồng chị lại đôn chạy đáo tìm chỗ gửi trẻ.

Sốt ruột khi con nghỉ Tết sớm

Chị Ngọc cho biết hàng năm, lịch nghỉ Tết của hai con trùng với lịch nghỉ của bố mẹ, cả gia đình sẽ cùng về quê vào ngày 26 tháng chạp. Nhưng cách đây một tuần, trường tiểu học tư thông báo bé lớn sẽ nghỉ kết thúc học kỳ 1 và nghỉ Tết từ ngày 18/1. Trong khi đó, dù ngày 26/1 mới nghỉ, trường mầm non nơi bé thứ hai theo học cũng thông báo cho trẻ nghỉ 2 ngày giữa tuần.

“Tôi chuyển từ bất ngờ sang lo lắng vì con nghỉ nhưng bố mẹ vẫn phải đi làm. Thời điểm cuối năm, vợ chồng tôi đã hết phép, công việc lại nhiều nên không thể nghỉ ở nhà trông con”, chị Ngọc nói.

Nhiều phương án được vợ chồng chị Ngọc vạch ra, nào là gửi trường tư, tìm người trông trẻ hoặc gửi đến nhà giáo viên, nhưng tất cả đều không thực hiện được. Các cô đều không nhận do bận họp hành và muốn chuẩn bị Tết cho gia đình. Trong khi đó, 3 trường mầm non tư quanh nhà cũng từ chối vì phụ huynh chỉ gửi một tuần. Bên cạnh đó, bé lớn đã lên tiểu học nên không phù hợp.

“Tôi cũng không an tâm để người lạ đến nhà trông con. Phần vì các dịch vụ xuất phát từ hội nhóm mạng xã hội, phần vì chi phí quá cao, dự kiến khoảng 3,2 triệu đồng cho 8 ngày với 2 trẻ”, người mẹ chia sẻ.

Tương tự, con phải đến ngày 23/1 mới nghỉ Tết, nhưng từ ngày 15/1, vợ chồng chị Phương Lê (TP.HCM) đã “huy động” bà nội từ Buôn Ma Thuột xuống TP.HCM để trông cháu. Những ngày cận Tết, vợ chồng chị Lê đều phải tăng ca đến nửa đêm, con đang học tiểu học nên đành phải nhờ bà chăm hộ.

Một lý do khác vợ chồng chị Lê phải nhờ đến bà nội là người giúp việc cũng xin nghỉ Tết sớm. Mọi năm, người giúp việc sẽ ở lại làm việc đến khoảng 27 Tết, nhưng năm nay, giúp việc nhà chị Lê xin nghỉ từ 20 tháng chạp nên không thể hỗ trợ việc chăm trẻ.

Dự kiến đến ngày 23/1, khi học sinh TP.HCM được nghỉ, chị Lê sẽ nhờ bà nội đưa cháu về Buôn Ma Thuột trước. Gia đình chị muốn con về quê sớm, bà cháu ở quê chăm nhau sẽ thoải mái hơn, con cũng sẽ có những trải nghiệm khác với ở thành phố.

“Tết nhất mà con được nghỉ sớm thì chúng tôi cũng đau đầu. May là nhà tôi có bà nội nên yên tâm hơn, đỡ phải thuê người gửi con, vừa tốn kém vừa không yên tâm”, chị Lê chia sẻ.

Chị Ngọc tính đủ phương án nhưng vẫn không tìm được nơi gửi trẻ ngày Tết. Ảnh: NVCC.

Nên đồng nhất lịch nghỉ Tết

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 của học sinh sẽ căn cứ theo kế hoạch thời gian năm học từng địa phương. Nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Dương, Bình Dương… cho học sinh nghỉ 9 ngày, trùng với lịch nghỉ Tết của người lao động.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, cô Tiêu Thị Trang, Chủ cơ sở mầm non độc lập Bình Minh (quận Hà Đông, Hà Nội), cho hay trái ngược với các năm trước, năm nay, cơ sở của cô chưa có phụ huynh nào đăng ký gửi trẻ ngoài lịch.

Cô giáo nhận định lịch nghỉ đồng nhất giữa người lao động và học sinh tại Hà Nội đã tạo sự thuận lợi cho các phụ huynh. Các phụ huynh cũng được nghỉ sớm hơn mọi năm, nên có nhiều thời gian với con hơn.

Tuy nhiên, với những địa phương khác cho trẻ nghỉ dài ngày hơn như TP.HCM (11 ngày), Kon Tum (17 ngày), Quảng Ninh (14 ngày), Hà Tĩnh (11 ngày)... hoặc các trường tư thục cho trẻ nghỉ sớm, phụ huynh nghỉ sau ngày 25/1, việc chăm sóc trẻ trong những ngày này là mối bận tâm hàng đầu của nhiều phụ huynh như chị Ngọc, chị Lê.

Cô Hoài Linh, giáo viên mầm non ở Hà Tĩnh, cho biết dù chưa đến ngày nghỉ, một số phụ huynh đã “đặt lịch” cho cô trông trẻ những ngày giáp Tết. Chi phí trông trẻ mỗi ngày là 150.000 đồng (trong đó gồm 50.000 đồng tiền ăn). Dù đắt, phụ huynh vẫn chấp nhận vì không gửi con cũng không được.

Ở nơi cô Linh làm việc, phụ huynh chủ yếu kinh doanh, buôn bán nên dịp Tết là thời gian bận rộn nhất trong năm. Nhiều gia đình bận đến mức quên đi đón con, giáo viên phải thay phiên nhau trông trẻ đến tối muộn. Cô Linh cũng từng phải đưa một trẻ về nhà chăm giúp vì phụ huynh bận đi nhập hàng, không ai ở nhà để đón con, chăm con.

Trong khi đó, không còn cách nào khác, vợ chồng chị Ngọc quyết định cuối tuần đưa bé thứ hai về quê trước và nhờ ông bà ngoại hỗ trợ vì sát Tết, ông bà cũng không thể xuống Hà Nội.

Chị đã gọi điện về nhờ bố mẹ sắp xếp công việc và dọn dẹp nhà cửa trước để trông con giúp mình. Trong khi đó, với bé lớn, chị sẽ đem con lên công ty vì ông bà đã có tuổi, không thể trông cả 2 bé.

Dù vậy, chị cũng lo ngại bởi “mang con đi làm một ngày không sao, chứ đến 5-6 ngày, công việc chắc chắn bị ảnh hưởng”, bởi mẹ thì không tập trung làm việc được, phải lo cho con ăn, con chơi, rồi để mắt đến con. Chưa kể dù mẹ có nhắc nhở cũng không tránh được việc con chạy nhảy, nghịch đồ, ảnh hưởng đến đồng nghiệp.

“Giờ giấc sinh hoạt của con cũng chập chờn theo mẹ vì buổi trưa mẹ chỉ có 1,5 giờ để nghỉ ngơi. Con sẽ khó theo kịp được, khá ảnh hưởng”, người mẹ nói.

Với những lý do trên, chị Ngọc cho rằng thay vì nghỉ dài trước Tết, các nhà trường có thể đổi sang nghỉ sau Tết từ 2-3 ngày. Thời điểm này, các công ty cũng khai xuân và chưa có nhiều công việc, bố mẹ nhiều thời gian hơn, các con sẽ thoải mái vui chơi với ông bà hay đi du xuân.

Chị Phương Lê cũng đồng tình với quan điểm này. Dù có bà nội trông cháu, chị vẫn cảm thấy bất tiện khi lịch nghỉ Tết của con và bố mẹ không đồng nhất. Nếu con được nghỉ quá sớm, bố mẹ sẽ rất khó phân chia thời gian để chăm con.

Cá nhân người mẹ vẫn mong các địa phương cho con nghỉ trước Tết trùng lịch với bố mẹ. Sau Tết, các con có thể nghỉ dài hơn, bố mẹ đi làm trước, để con ở lại quê với ông bà rồi trở lại trường học sau. Chị Lê tin rằng phương án này giúp các gia đình “dễ thở” hơn, vừa đảm bảo các con được nghỉ Tết thoải mái.

Tin liên quan