Nhiều trường hợp trẻ chậm nói khiến bố mẹ tưởng bị tự kỷ

Dẫn tin từ Người Lao Động, tình trạng trẻ chậm nói do dính thắng lưỡi hiện nay khá nhiều. Ghi nhận tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố, không ít phụ huynh phát hoảng khi con 3-4 tuổi vẫn chưa thể nói, nghi bị tự kỷ.

Như trường hợp của chị Đ.H.P (29 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết dù đã 3 tuổi nhưng con chị chỉ phát âm vài từ đơn, chỉ đến khi được hàng xóm nói có thể bé bị ngắn thắng lưỡi nên chị mới cho con đi khám và được bác sĩ chỉ định cắt thắng lưỡi.

Hình ảnh của trẻ bị dính thắng lưỡi 

"Trước đó cứ nghĩ con chậm nói tạm thời vì bé sinh ra khỏe mạnh, phát triển bình thường. Hy vọng sau khi cắt thắng lưỡi, bé sẽ mau biết nói" - chị P. chia sẻ.

Còn với trường hợp của bé N.P.G.H (3 tuổi rưỡi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM), dù được phát hiện ngắn thắng lưỡi ngay sau khi sinh nhưng đến hiện tại gia đình mới đưa bé đi cắt thắng lưỡi.

Chị L.T.T.Y (39 tuổi, mẹ của bé H.) cho biết: "Thời điểm bé được 6 tháng, cũng có đưa đi khám tại phòng khám tư nhưng bác sĩ tư vấn không cần cắt vì khi bé lớn, thắng lưỡi sẽ giãn ra. Tuy nhiên, đến hiện tại tình trạng không cải thiện và bé không thể phát âm vài từ như chữ t, th… nên đưa bé đi khám thì được bác sĩ chỉ định phải cắt".

Dính thắng lưỡi là gì?

Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh nhẹ mà bất kỳ trẻ sơ sinh nào cũng có nguy cơ mắc phải do bị ngắn dây thắng lưỡi (một lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi) làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi. Tật dính thắng lưỡi có thể nhận biết bằng mắt thường ngay từ khi trẻ ra đời. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác mức độ dính thắng lưỡi, cũng như chỉ định có cần cắt thắng lưỡi hay không, cần đến sự thăm khám trực tiếp của bác sĩ chuyên khoa.

Dính thắng lưỡi được chia thành 4 cấp độ khác nhau, và thường được chỉ định cắt khi vào mức 3 hoặc mức 4, tức là độ di động của lưỡi chỉ từ 0 - 7mm. Ở các mức độ này, dính thắng lưỡi ảnh hưởng nhiều tới khả năng bú của trẻ, khiến bé lười bú, bú không đúng khớp, chậm tăng cân; cùng với đó là khả năng ngôn ngữ kém, dẫn tới nói ngọng, chậm nói, thẩm mỹ kém do khiến răng xô lệch.

Biểu hiện dễ nhận biết khi dính thắng lưỡi ở trẻ đó là không thè được lưỡi ra ngoài môi, lưỡi không chạm tới nóc vòm họng, khi khóc đầu lưỡi tạo thành hình trái tim, lưỡi khó di chuyển sang hai bên. Trẻ sơ sinh khi bú dễ bị chảy sữa ra ngoài, cáu gắt khi bú. Trẻ lớn hơn thường khó phát âm, răng cửa bị xô lệch, 2 răng cửa có khe hở.

Can thiệp dính thắng lưỡi càng sớm càng tốt

TS-BS CK2 Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa răng hàm mặt BV Nhi đồng 1, cho biết trên báo Pháp luật TP.HCM, thắng lưỡi là một bộ phận của lưỡi, nằm dưới bụng lưỡi, có dạng hình tam giác. Thắng lưỡi có vai trò quan trọng trong việc vận động lưỡi và định hướng di chuyển của lưỡi. Thắng lưỡi góp phần thực hiện hoàn chỉnh khả năng bú, nuốt, phát âm của bé.

Dính thắng lưỡi cần được can thiệp, xử lý sớm 

Bé dính thắng lưỡi được phát hiện trong nhiều trường hợp như khi bé ra đời được bác sĩ khám tổng thể phát hiện nên gợi ý người nhà đưa đi khám; bé bú khó; ngẫu nhiên phát hiện khi đi khám bệnh... Tuy nhiên, không ít trường hợp bé bị dính thắng lưỡi chỉ được phát hiện khi phụ huynh thấy bé nói ngọng một số từ, thậm chí có bé vượt qua tuổi biết nói nhưng không nói tiếng nào. Ở Khoa răng - hàm - mặt, BS Đẩu cho biết từng tiếp nhận các bé 10, 12 tuổi mới được đưa đi khám về thắng lưỡi.

Dính thắng lưỡi nên được can thiệp càng sớm càng tốt. Thời gian thực hiện cắt thắng lưỡi cho bé lý tưởng nhất là từ ba tháng đến trước khi bé mọc răng cửa. Ở độ tuổi này, bé đáp ứng sức khỏe để thực hiện thủ thuật và tránh tình trạng sau khi gây tê, bé mất cảm giác ở đầu lưỡi có thể cắn dập lưỡi.