Hiệp hội Bác sĩ Sản khoa và Phụ khoa Mỹ (ACOG) khuyến nghị thai phụ giới hạn mức hấp thụ caffeine dưới 200 mg mỗi ngày.

Giới nghiên cứu vẫn chưa hiểu đầy đủ về cách thức caffeine tác động tới thai nhi hay thậm chí liệu caffeine có thể gây ảnh hưởng tới thai nhi hay không. Song một số nhà nghiên cứu đã đề ra vài giải thuyết, theo Healthday.

“Quá trình trao đổi caffeine của phụ nữ chậm lại trong thời kỳ mang thai. Caffeine và các chất chuyển hóa của nó thẩm thấu qua nhau thai. Thai nhi không thể chuyển hóa hoặc phân hủy caffeine cũng như các chất chuyển hóa của nó. Theo thời gian, thai nhi có thể tiếp xúc với caffeine tích tụ”, Jessica Gleason lập luận.

Sự xáo trộn trong quá trình tăng chiều cao

Bà Gleason nói thêm trong các nghiên cứu trên động vật, tình trạng hấp thụ caffeine trong thai kỳ gây nên sự xáo trộn trong mô hình tăng trưởng bình thường. Hơn nữa, việc hấp thụ quá nhiều caffeine cũng có thể làm tăng độ nhạy cảm với insulin ở thai nhi, gây ra những hậu quả lâu dài cho sự phát triển bình thường.

Cà phê không phải là thứ duy nhất chứa caffeine. “Nghiên cứu của chúng tôi bao gồm mọi nguồn chứa caffeine, bao gồm cả những sản phẩm đã khử caffeine và những thực phẩm chứa caffeine”, bà Gleason khẳng định. Những sản phẩm ấy bao gồm chocolate, trà, nước uống tăng lực và nước uống chứa soda. Mức độ tiêu thụ caffeine là căn cứ của kết quả nghiên cứu.

Nhóm của Jessica Gleason phân tích hàm lượng caffeine và một sản phẩm chuyển hóa của nó là paraxanthine trong mẫu máu của hơn 2.400 thai phụ trong 2 nghiên cứu. Họ xác định mối quan hệ giữa mức hấp thụ caffeine với chiều cao, trọng lượng, chỉ số khối cơ thể (BMI), nguy cơ béo phì.

Kết quả cho thấy con của những phụ nữ hấp thụ caffeine ở mức thấp trong thai kỳ thấp hơn so với con của những phụ nữ không dùng caffeine trong thai kỳ. Mức chênh lệch chiều cao tăng trong độ tuổi 4-8.

Phân tích của nhóm Gleason đã tính tới nhiều yếu tố có thể tác động tới sự phát triển chiều cao của trẻ - bao gồm chiều cao của mẹ, trọng lượng của mẹ trước khi mang thai và thói quen hút thuốc của mẹ.

Hạn chế của nghiên cứu

Vì nghiên cứu của nhóm không phân tích mức độ phát triển chiều cao của trẻ sau 8 tuổi nên họ không biết những đứa trẻ này sẽ đuổi kịp bạn bè cùng tuổi về chiều cao sau năm thứ 8 hay không. Nhóm nghiên cứu lưu ý họ chỉ tìm ra mối liên hệ giữa mức tiêu thụ caffeine của thai phụ và chiều cao của con. Đây không phải là mối liên hệ có tính chất nhân quả.

“Tìm hiểu mối quan hệ giữa mức hấp thụ caffeine và sự phát triển của trẻ trong giai đoạn cuối của thời kỳ thơ ấu là việc quan trọng. Điều lý tưởng nhất là chúng ta có thể theo dõi quá trình tăng chiều cao của trẻ tới tận những năm đầu độ tuổi đôi mươi, để xem chiều cao của chúng có thể tương đương chiều cao của những đứa trẻ cùng tuổi hay không”, bà Gleason bình luận.

Susan Klugman, giáo sư bộ môn Sản khoa và Phụ khoa của Đại học Y khoa Albert Einstein tại thành phố New York, Mỹ, là người đánh giá chéo nghiên cứu của nhóm. Bà chỉ ra một số điểm hạn chế của nghiên cứu như không xem xét chiều cao của cha, mẹ đứa trẻ hay chế độ ăn và tình trạng ốm nghén của thai phụ. Việc tìm hiểu mức độ tăng chiều cao của trẻ ở tuổi dậy thì và giai đoạn trưởng thành cũng rất ý nghĩa. Nó sẽ giúp chúng ta biết thói quen tiêu thụ caffeine thực sự tác động tới chiều cao của trẻ hay không.

“Hiểu cơ chế tác động của caffeine đối với tăng trưởng chiều cao của trẻ là điều rất hữu ích cho việc đề ra các khuyến nghị. Điều quan trọng là chúng ta phải biết chính xác khoảng thời gian mà thai phụ nên hạn chế hấp thụ caffeine”, Susan Klugman nói.