Trong cuộc sống gia đình, chắc chắn sẽ có những tình huống “cơm không lành, canh không ngọt” dẫn đến những trận cãi vã, thậm chí là trước mặt con cái. Nếu như ở một giới hạn nhất định, hành động đó sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến con trẻ. Tuy nhiên nếu vượt ngoài tầm kiểm soát, những trận xung đột của bố mẹ sẽ tác động tiêu cực đến trẻ cả về tinh thần lẫn thể chất.

Con cảm nhận thế nào khi thấy bố mẹ cãi nhau?

Nếu thường xuyên sống trong cảnh gia đình hay gây gổ, thậm chí là bạo lực sẽ khiến trẻ mắc các bệnh về tâm thần và rối loạn cảm giác hoặc phạm phải một số vấn đề tiêu cực khi lớn lên. Cha mẹ thường xuyên gây hấn với nhau sẽ hình thành trong con cảm giác lo lắng, sợ hãi và hoảng loạn. Nhiều đứa trẻ sẽ phản ứng lại bằng cách chửi bới thô tục trong gia đình hoặc ở trường học.

Trẻ em rất nhạy cảm, chúng có thể cảm nhận được bầu không khí căng thẳng trong gia đình - Ảnh: Internet

Có thể trẻ chưa đủ lớn để thấu hiểu được nguyên nhân của cuộc tranh cãi nhưng chúng vô cùng nhạy cảm, trước bầu không khí căng thẳng giữa bố và mẹ. Trực giác của bé sẽ cảm nhận được sự thay đổi trong thái độ cũng như hành động của phụ huynh. Con sẽ chú ý đến hành vi như: Đóng sầm cửa, không ai nói chuyện với ai, giọng điều trò chuyện...

Những trẻ lớn hơn có thể hiểu được nội dung và kết quả của cuộc tranh cãi. Dù cha mẹ không thể hiện rõ thái độ lạnh nhạt với nhau thì con cũng sẽ đoán biết được điều này.

Bố mẹ nên giải quyết mâu thuẫn tích cực hơn

Trước những ảnh hưởng tiêu cực như vậy, bố mẹ nên là người thay đổi bằng cách áp dụng một số phương pháp giải quyết mâu thuẫn tích cực sau đây.

1. Hạ cơn giận trước khi nói chuyện với nhau

Nên trao đổi về mâu thuẫn khi cả hai đã bình tĩnh - Ảnh: Internet

Trong bất cứ vấn đề gì nếu như tức giận, bạn không nên nói ngay với đối phương, nhất là trong trường hợp có mặt con ở đó. Bạn hãy thử làm những điều mình thích như nghe nhạc, nghỉ ngơi. Sau đó khi tâm trạng đã bình tĩnh, bớt nóng giận thì hãy bắt đầu trao đổi mâu thuẫn với người bạn đời.

2. Đừng bao giờ dùng lời lẽ lăng mạ nhau

Trong một cuộc tranh cãi khi nóng giận, đa số mọi người sẽ cho rằng mình đúng và cảm giác hiếu thắng khiến nhiều cặp vợ chồng buông lời sỉ vả, chọc tức nhau ngay trước mặt con nhỏ. Những lời nói đó trước hết sẽ làm tổn thương đối phương sau đó là gây ảnh hưởng đến tâm lý, suy nghĩ của chính con.

3. Nhìn nhận vấn đề một cách khách quan

Thẳng thắn thừa nhận lỗi của mình và có cách hành xử đúng hơn trong lần sau - Ảnh: Internet

Nếu bạn thấy mình là người sai, hãy thẳng thắn thừa nhận điều đó. Một khi mâu thuẫn đã được giải quyết, bạn hãy ngồi lại suy xét nguyên nhân gây ra cuộc cãi vã và có hành động đúng đắn hơn trong lần sau.

4. Tôn trọng và lắng nghe đối phương

Việc lắng nghe người khác nói cũng là cách để thể hiện sự tôn trọng. Đồng thời, đây cũng là cách để đối phương thấy bạn đang quan tâm và có thiện chí giải quyết những bất đồng.

Trên đây là những bí quyết giúp bố mẹ kiềm chế cơn tức giận và giải quyết mâu thuẫn một cách ôn hòa nhất. Điều này sẽ tránh tuyệt đối việc hai vợ chồng cãi vã trước mặt con khiến bé bị ảnh hưởng về mặt tâm lý.