Con bất hiếu, đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, phạm tội gì?
Vừa qua (10-9), TAND Tối cao đã ban hành Văn bản số 163/TANDTC-PC giải đáp một số vướng mắc trong xét xử.
Đáng chú ý, TAND Tối cao đã giải đáp một số vướng mắc khi xác định tội danh cụ thể trong một số trường hợp.
Phá két sắt trị giá 10 triệu để trộm 5 triệu, phạm mấy tội?
Nguyễn Văn A có hành vi phá két sắt nhằm mục đích trộm cắp tài sản và đã lấy được số tiền 5 triệu đồng, két sắt do A hủy hoại có giá trị 10 triệu đồng. Trường hợp này, A chỉ phạm một tội là tội trộm cắp tài sản hay phạm hai tội là tội trộm cắp tài sản và hủy hoại tài sản.
Trả lời, TAND Tối cao cho rằng mặc dù A chỉ có động cơ, mục đích là trộm cắp nhưng buộc A phải nhận thức hành vi phá két sắt là hủy hoại tài sản của người khác. Vì vậy, hành vi của A cấu thành hai tội là tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 và tội hủy hoại tài sản quy định tại Điều 178 của BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tình huống nữa là Nguyễn Văn A là nhân viên của cửa hàng điện thoại di động MT do ông Trần Thanh B làm chủ, cửa hàng MT được đăng ký kinh doanh là hộ kinh doanh. Trong quá trình làm việc tại cửa hàng, A được giao nhiệm vụ thu tiền bán thẻ điện thoại, máy điện thoại và có trách nhiệm trực tiếp quản lý tiền thu được và nộp lại cho chủ cửa hàng. A đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, sau khi thu tiền của khách hàng, A không nộp về cho cửa hàng mà chiếm đoạt số tiền 20 triệu đồng. Hành vi của A bị truy cứu TNHS về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay tội tham ô tài sản?
Theo TAND Tối cao, khoản 6 Điều 353 của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị truy cứu TNHS theo quy định tại Điều này.
Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp thì "Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ...". Theo khoản 10 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
Như vậy, hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Do đó, hành vi nêu trên của A cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Vướng mắc liên quan đến tội làm giả con dấu
Một vướng mắc khác là Nguyễn Văn A vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây tai nạn chết người. Trong quá trình điều tra phát hiện A dùng giấy phép lái xe hạng B2 giả (A cung cấp thông tin của mình cho đối tượng làm giả) để điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Trường hợp này, A bị truy cứu TNHS về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức hay tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức?
Giải đáp, TAND Tối cao cho rằng trường hợp này ngoài việc A bị truy cứu TNHS về tội vi phạm về quy định tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS năm 2015 thì bị cáo còn bị truy cứu TNHS về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
TAND địa phương còn gặp vướng mắc trong trường hợp: Nguyễn Văn A nhờ người làm giả căn cước công dân đứng tên người khác. Sau khi nhận được căn cước công dân giả thì A dán ảnh của mình trên căn cước công dân đó để lừa đảo chiếm đoạt 1,8 tỷ đồng.
Trường hợp này, A bị truy cứu TNHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hay bị truy cứu TNHS về hai tội là tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)?
TAND Tối cao trả lời như sau: Nguyễn Văn A bị truy cứu TNHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 174 BLHS năm 2015, (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với tình tiết định khung "Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng" theo điểm b khoản 3 Điều 341 của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Con đuổi cha mẹ ra khỏi nhà phạm tội gì?
Một câu hỏi khác được đặt ra là: một người có một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 158 của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) trong thời gian bao lâu thì bị truy cứu TNHS?
Trường hợp con ở cùng nhà với cha mẹ (nhà thuộc quyền sở hữu của cha mẹ) mà đuổi cha mẹ ra khỏi nhà thì có bị truy cứu TNHS về tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 BLHS không?
TAND Tối cao trả lời như sau: Điều 158 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không quy định xâm phạm chỗ ở của người khác trong thời gian bao lâu thì bị truy cứu TNHS. Do đó, người nào thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 158 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bị truy cứu TNHS nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Trường hợp con ở chung với cha mẹ mà đuổi cha mẹ ra khỏi nhà thì hành vi này bị truy cứu TNHS về tội ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ theo Điều 185 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...