Đêm ngày 28/2, Lê Nguyễn Quỳnh Như (24 tuổi, Khánh Hòa) vội vã rời Seoul đến sân bay Incheon (Hàn Quốc) để kịp lên chuyến bay cuối ngày về Việt Nam.

10h30 ngày 29/2, Quỳnh Như cùng nhiều công dân Việt Nam đang học tập và sinh sống tại xứ sở kim chi đáp chuyến bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

“Toàn là người Việt, cảm giác giống về quê ăn Tết! Ngồi trên máy bay, khi tiếp viên thông báo chúng tôi sẽ về thẳng khu cách ly, ai cũng đồng ý bởi chỉ cần về được đến Việt Nam là hạnh phúc lắm rồi.

Xuống sân bay, chúng tôi ghi tờ khai y tế và được chia theo từng nhóm đối tượng khác nhau. Mỗi nhân viên mặt đất phụ trách một nhóm nên không mất nhiều thời gian. Sau đó, chúng tôi được cán bộ phát đồ ăn nhẹ và khoảng 14h di chuyển về Trung tâm Y tế Quận 11, TP.HCM cách ly bằng xe cấp cứu”, cô gái trẻ nhớ lại.

 

Lê Nguyễn Quỳnh Như (24 tuổi, Khánh Hòa), hiện học khóa tiếng và thạc sĩ ở trường Đại Học Hanyang, Hàn Quốc.

Chuyến đi 14 ngày “làm mới” tinh thần và sức khỏe bản thân

Dù cách ly tại Trung tâm Y tế Quận 11 được 3/14 ngày nhưng Quỳnh Như ví nó giống như chuyến nghỉ dưỡng “làm mới” tinh thần và sức khỏe của bản thân. Cô nàng nói: “Tôi là người đầu tiên vào đây cách ly. Mọi thứ mà nhân viên trung tâm chuẩn bị khiến tôi vô cùng cảm động. Giường gối sạch sẽ và đồ dùng cá nhân như khăn tắm, bàn chải, kem đánh răng, khẩu trang, khăn giấy, nước rửa tay,… có đủ cả, không thiếu thứ gì”.

Tại căn phòng Quỳnh Như ở có dán sẵn tờ hướng dẫn cách ly và tên wifi cũng như mật khẩu, số điện thoại liên hệ lúc khẩn cấp. Cô nàng bảo đó là điều cực kỳ tâm lý giúp cô và những người trong phòng cảm thấy an tâm hơn rất nhiều. “Lúc ở Hàn, tôi tưởng tượng đủ cảnh khi cách ly, nào là “cô đơn”, chẳng được mọi người quan tâm,… nhưng về rồi mới biết cuộc sống trong này tuyệt làm sao.

Đến giờ là cán bộ “bắt” đi ăn, ăn chưa hết suất cơm đã được tổ trực mời thêm ly sinh tố bơ. Thậm chí, nhân viên gửi hẳn thực đơn cho chúng tôi lựa chọn mỗi ngày, không bị ép buộc phải ăn gì. Mọi người còn liên tục dặn chúng tôi cần ăn gì? uống gì? thì cứ báo qua Zalo…”, Quỳnh Như tâm sự.

 

 Căn phòng nhỏ nơi Quỳnh Như cách ly tại Trung tâm Y tế Quận 11.

Với sự chăm sóc ân cần của nhân viên tại Trung tâm Y tế Quận 11, cô gái trẻ thẳng thắn chia sẻ nếu phải đóng tiền để lo ăn uống thì cô cũng hoàn toàn hợp tác. Cô luôn suy nghĩ tích cực trong khoảng thời gian này. Cô bảo ở trong này không hề khổ sở hay khó khăn gì cả, chỉ là không được đi ra ngoài nhưng cô làm được điều đó.

“Tôi mong mọi người có thể đứng ở vị trí của chúng tôi mà hình dung. Chúng tôi đã sống chung với bão dịch ở Hàn Quốc hơn 10 ngày và cuối cùng đưa ra quyết định bỏ học, bỏ tiền và cả những dự định dang dở về nước.

Khi về, tôi được chăm sóc chu đáo như thế này thì cảm thấy quyết định của bản thân là đúng đắn và rất trân trọng”, Quỳnh Như chia sẻ.

Tại căn phòng Quỳnh Như ở có dán sẵn tờ hướng dẫn cách ly và thùng phân loại rác thải.

Đặt quyết định “ở lại – về nhà” lên bàn cân để tính toán thiệt hơn

Lê Nguyễn Quỳnh Như qua xứ sở kim chi học khóa tiếng và thạc sĩ ở trường Đại Học Hanyang. Cô nàng cho biết, thời gian đầu khi có thông tin 40 người nhiễm COVID-19, bản thân cô khá lo lắng nhưng luôn lạc quan và tin tưởng vào y tế của Hàn Quốc.

Đến lúc dịch mất kiểm soát, Seoul có nhiều ca nhiễm bệnh thì cô bắt đầu hoang mang, mất độ 1 tuần cân nhắc xem có về nước hay không? Sau đó cô quyết định mua vé về vào ngày 23/2 nhưng thất bại, phải đến ngày 25 mới mua được vé.

Một bữa ăn của Quỳnh Như tại Trung tâm Y tế Quận 11.

“Thật sự, trong đời phải có đôi lần bắt buộc đưa ra quyết định mạnh mẽ, lựa chọn giữa được và mất. Thời điểm ấy (khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc), nhiều bạn của tôi sẵn sàng bỏ thi, bỏ việc, bỏ mấy chục triệu tiền lương chưa nhận chỉ để về nước càng sớm càng tốt. Họ bất chấp cả việc có thể bị cắt visa, khó sang lại.

Nhưng cũng có một số người bạn của tôi giữ tinh thần lạc quan, chấp nhận sống chung với dịch, vẫn đi làm chăm chỉ hàng ngày vì “không có tiền lấy gì mà sống”. Có lẽ ở đây, không có lựa chọn nào là đúng hay sai cả. Nó phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của từng người, chỉ có lựa chọn phù hợp nhất. Điều đó khiến tôi suy nghĩ về nước mất gì và được gì”, Quỳnh Như tâm sự.

Thời gian đầu khi có thông tin 40 người nhiễm COVID-19, bản thân Quỳnh Như khá lo lắng nhưng luôn lạc quan và tin tưởng vào y tế của Hàn Quốc.

Cô gái 24 tuổi đã đặt quyết định “ở lại – về nhà” lên bàn cân để tính toán thiệt hơn. Nếu về Việt Nam, cô sẽ mất tiền, mất cơ hội làm việc, mất thời gian 1 năm vì phải chỉnh sửa kế hoạch học tập và tiến độ lên thạc sĩ của mình.

Nhưng bù lại, cô nhận được sự an lòng của ba mẹ, được sống trong lạc quan trên chính mảnh đất quê hương – nơi có điều kiện phòng tránh dịch bệnh tốt. Và nếu chẳng may mắc bệnh trên đường về nước, cô cũng nhận được những biện pháp cách ly, chữa bệnh tốt nhất như cách Việt Nam đã chữa khỏi cho 16 bệnh nhân trước đó.

“Tiền có thể kiếm ít đi một chút, học tập chậm đi vài tháng nhưng tôi chỉ xin giữ được sức khỏe và gia đình. Cho dù mất hết tất cả, tôi sẽ đứng lên làm lại từ đầu”, cô nàng nói.

Hiện tại, Quỳnh Như đã cách ly được 3 ngày và hoàn toàn thoải mái khi sống tại đây. Cô bảo điều mong mỏi nhất lúc này không phải nhanh chóng được về nhà với ba mẹ, mà là các du học sinh bạn bè khác chưa được về nước không bị nhiễm dịch bệnh COVID-19.