Bộ Tư pháp

Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn. Sau khi thụ lý đơn yêu cầu ly hôn của một trong 2 bên, tòa án tiến hành hòa giải tại cơ sở theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Khoản 1, Điều 56 Luật này quy định khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Từ các quy định trên, có thể thấy vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết cho ly hôn. Nếu một bên không đồng ý ký vào đơn ly hôn thì bên còn lại vẫn có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về ly hôn theo yêu cầu của một bên, trừ trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi theo quy định tại khoản 3, Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Như vậy, nếu bạn không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tòa án sẽ thụ lý và giải quyết yêu cầu đơn phương ly hôn của bạn. Sau khi thụ lý, tòa án sẽ tiến hành hòa giải.

Nếu tại phiên hòa giải, bạn giữ nguyên lập trường và có đủ căn cứ chứng minh chồng bạn có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn mà không cần sự đồng thuận của chồng.