“Cô độc” – “孤獨”

Có người đã giải thích rằng: Hai chữ “Cô độc” – “孤獨” này nếu tách ra, có trẻ con (子 – Tử, trẻ em), có trái cây (瓜 – Qua – trái dưa), có thú vật (⺨- Khuyển – chó), có ruồi muỗi (虫 – Trùng – côn trùng), đủ để bày ra một con hẻm vào buổi tối mùa hè, đầy đủ hương vị cuộc sống. Nhưng nếu tất cả những thứ đó đều không liên quan gì đến bạn, thì tức là bạn cô độc.

Sự cô độc không phải là việc bị ruồng rẫy và bỏ rơi, mà là không có tri kỷ, không được thấu hiểu. Nhưng người cô độc thật sự sẽ không nói mình cô độc.

Cô đơn là sự thiếu vắng, cảm giác thiếu hụt điều gì đó; là một nỗi đau khổ, phiền muộn, một nhu cầu không được đáp ứng toàn vẹn.

Còn cô độc nghĩa là vẫn hiện diện đó, đủ đầy, sinh động, tràn đầy niềm vui sống và tình yêu, nhưng không cần thêm một ai nữa, chỉ một mình bạn thôi là đủ rồi.

Các nhà Tâm lý học tiến hóa thuộc Trường Đại học Quản trị Singapore, Trường Kinh tế London và Bộ môn Khoa học Chính trị đã phối hợp nghiên cứu trên 15.000 thanh niên và đi đến kết luận: Trong khi phần lớn chúng ta đều cảm thấy hạnh phúc hơn khi dành thời gian ở bên cạnh những người khác, thì những người cực kì thông minh lại là trường hợp ngoại lệ.

 
Càng cô độc, càng ưu tú

Năm 23 tuổi, Mộc Tâm (một họa sĩ, nhà văn nổi tiếng ở Trung Quốc) được vào làm giáo viên tại trường trung học số 1 ở Hàng Châu, đãi ngộ ở đây vô cùng tốt, lại còn được cấp miễn phí một căn nhà lớn, phía sau nhà còn có hồ bơi.

Thế nhưng, dù được ở trong một môi trường cao cấp như vậy, Mộc Tâm lại chỉ làm được 1 năm thì đã quyết định đi ẩn cư ở núi Mạc Can. Ông thuê một người mang theo hai rương sách lớn, mang theo chiếc mũ thường đội, chiếc túi thường đeo và đôi giày thường xỏ, đến ngọn núi yên tĩnh vắng vẻ này để làm điều không ai ngờ đến.

Trong căn nhà lớn hoang phế, ông đã dán một câu nói của tiểu thuyết gia người Pháp Gustave Flaubert lên bàn: “Sự rộng lớn của nghệ thuật đủ để chiếm cứ một người”. Vào ban ngày khi mặt trời vừa mọc cũng là lúc ông vừa thức dậy để đọc sách, và đêm đến thì ông lại viết những tác phẩm của mình dưới những ngọn nến. Gió lạnh bên ngoài đập vào cửa sổ, tuyết bay lất phất, trời lạnh thấu xương, ông đun nước pha một tách trà, rồi tiếp tục đọc sách.

Mộc Tâm cô độc, nhưng vì sự cô độc tách biệt với thế giới này mà mọi khoảnh khắc đều là sự tra tấn của ông đối với bản thân, mọi bước đi đều là sự khám phá chân lý. Từ đó mới sáng tác nên vô số tác phẩm đi vào lòng người. Sáu năm sau, ông xuống núi cùng với hơn 100 truyện ngắn, tiểu thuyết, cùng vô số những bức tranh thủy mặc.

Arthur Schopenhauer, một triết học gia người Đức nói: “Không có sự cô độc tương xứng, thì không có sự bình thản trong nội tâm”. Đúng vậy, những gì một người có thể thực hiện được trong thời gian họ cô độc, quyết định rằng họ có phải người ưu tú hay không.

Người càng ưu tú, thì càng có khả năng đạt được sự bình thản trong tâm hồn. Càng là người xuất sắc, thì họ càng biết cách tránh tất cả các loại tương tác xã hội không hiệu quả trong cuộc sống. Sau khi ở cùng những người khác, họ rất tỉnh táo nhận thức được rằng sự ưu tú của bản thân bắt nguồn từ sự cô độc, đó là sự vinh quang của cô độc.